Mặc dù quay trộm phim trong rạp luôn bị coi là phạm pháp nhưng theo Techdirt, năm 2007, ngành công nghiệp phim mới bắt đầu thực sự mạnh tay, yêu cầu các chính phủ cho ra các đạo luật nghiêm khắc hơn nhắm vào loại phạm tội này.
Tờ Washington Post cho biết sao chép phim khi đang chiếu là một trọng tội theo Đạo luật Giải trí gia đình và Bản quyền năm 2005 của Hoa Kỳ, có thể bị ngồi trong nhà tù liên bang ba năm. Một số tiểu bang như Virginia còn có luật chống sao chép trái phép riêng của bang. Hiệp hội các nhà phân phối phim (FDA) và Liên đoàn chống trộm bản quyền (FACT) của Anh thì không tiếc tiền treo giải 1.000 bảng cho mỗi lần phát hiện kẻ quay lén.
Ở Mỹ, trường hợp đầu tiên bị bắt, xử lý mạnh vì quay lén phim chiếu rạp được biết đến vào năm 2007, là Jhannet Sejas. Vào ngày sinh nhật 19 tuổi của mình, cô cùng bạn trai đến trung tâm mua sắm Ballston Common (Mỹ) xem Transformers. Cô quay khoảng 20 giây phim đang chiếu để gửi cho em trai nhằm thuyết phục cậu này đi xem phim.
Vài phút sau, Sejas bị hai nhân viên cảnh sát quận Arlington tới tịch thu vật chứng. Cô sinh viên năm thứ hai trường Đại học Marymount bị cáo buộc tội danh “ghi hình bất hợp pháp”. Sejas phải đối mặt với án tù ba năm và nộp số tiền phạt 250.000 USD. Ngoài ra, Sejas còn bị cấm xem phim suốt đời ở rạp cô đã phạm luật.
Sejas khóc lóc sưng mắt, giải thích rằng cô không có ý định bán đoạn phim mà chỉ muốn giới thiệu phim mà thôi. Nhưng phát ngôn viên cảnh sát Arlington, ông John Lisle, cho biết rạp Regal Cinemas vẫn cương quyết yêu cầu pháp luật làm tới nơi tới chốn.
Jason Schultz, luật sư cao cấp tại Electronic Frontier Foundation, cho biết trước đó ông chưa bao giờ gặp vụ nào tương tự. "Tôi đã nghe nói về việc tịch thu các thiết bị gây án hoặc đuổi người quay lén khỏi rạp nhưng đây là vụ bắt giữ hình sự đầu tiên”. Có luật sư hỗ trợ, Jhannet Sejas vẫn phải trả 71 USD cho 20 giây quay trộm kia.
Samantha Tumpach cũng đã bị giam hai ngày hồi tháng 11.2009 sau khi bị kết tội quay trộm Twilight: New Moon tại rạp Muvico Theater ở Fort Lauderdale, Florida, Mỹ. Trong máy của Tumpach, các nhà chức trách tìm thấy một loạt ảnh cô chụp bạn bè và em gái cùng đến rạp cũng như một đoạn video đã quay dài 114 giây và một đoạn dài 85 giây. Rất may là sau khi xóa hết video này, rạp phim không đòi cô bồi thường. Nhưng chuyện bị cảnh sát vào tận chỗ ngồi còng tay dẫn đi và phải ngồi tù sẽ là ''vết đen'' khiến cô không thể nào quên.
Tháng 6.2016, khi Facebook Live trở nên phổ biến, một sinh viên ở Illinois, Mỹ, đã dùng điện thoại livestream phim A Aa trên Facebook. Đang hăng say chia sẻ từ rạp BlueSky, một rạp chuyên về phim Ấn Độ, chàng sinh viên của Đại học Valparaiso đã bị cảnh sát bắt. Trang web của rạp chiếu phim viết lại sự kiện này như lời cảnh tỉnh chung: “Nhóm chống sao chép đã phát hiện việc livestream trái phép và hành động ngay bằng cách xóa link chia sẻ. Họ thông báo cho quản lý rạp và quản lý rạp gọi cảnh sát. Sinh viên ẩn danh bị bắt quả tang. Tất cả nội dung quay ngay lập tức bị xóa khỏi thiết bị”.
Cùng năm, cơ quan chức năng đã bắt giữ một phụ nữ 31 tuổi, được gọi là PL, do phát trực tiếp phim Warkop DKI Reborn từ rạp qua ứng dụng Bigo. Do sợ đối mặt với luật pháp, PL đã trốn rồi lại ra đầu thú. Đại diện Cảnh sát Jakarta, Indonesia, cho biết PL bị buộc tội vi phạm Điều 32 về Giao dịch thông tin và điện tử, có thể bị phạt 8 năm tù và Điều 9 của Luật Sở hữu trí tuệ, có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.
Cuối tháng 4 năm nay, tại Hoyts Movie Theatre, Maryland (Mỹ) hai người đàn ông cũng bị bắt ngay tại trận vì quay lén The Fate of the Furious. Theo thông tin của cảnh sát, Troy Montgomery Cornish (38 tuổi) và Floyd Lee Buchanan (35 tuổi) “sử dụng điện thoại di động để ''hành sự''. Họ đeo điện thoại trên cổ và cắt một lỗ trên áo sơ mi để ống kính máy có thể thu trọn vẹn phần Fast and Furious mới”. Chưa có mức án công khai đối với trường hợp này nhưng các trang tin đều cho rằng họ có nguy cơ phải ngồi tù và nộp phạt khoản tiền lớn.
Tháng 9.2017, The Telegraph đưa tin Sankar Barua (20 tuổi) ở thị trấn North Lakhimpur, bang Assam, Ấn Độ, bị cảnh sát bắt vì livestream Mission China trên Facebook. Chưa có thông tin về hình phạt cậu sinh viên của Trường cao đẳng North Lakhimpur phải chịu nhưng riêng chuyện bị đưa lên báo và chuyện cảnh sát bắt giữ cũng đủ để Sankar Barua "xanh mặt".
Có thể thấy, nếu theo luật, hình phạt cho việc quay trộm, livestream phim trong rạp khá nặng nhưng số trường hợp bị bắt giữ và đưa ra xét xử ít. Theo chỉ huy Gregory Nazuka thuộc phòng cảnh sát Rosemont, Illinois, Mỹ, khi phát hiện những trường hợp quay lén rất ít rạp muốn phiền đến cảnh sát. Họ chỉ thường xóa video đã quay, đuổi người vi phạm ra khỏi rạp.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp phim bỏ lơ hành vi phạm luật bởi xét đến cùng, họ phải bảo vệ lợi ích của mình. Lấy ví dụ ngành công nghiệp sáng tạo của Anh sử dụng 1,5 triệu lao động và chiếm khoảng 36 tỉ bảng Anh. Nhưng họ đang mất 500 triệu bảng mỗi năm do vi phạm bản quyền, mà quay lén, livestream đều là những hành động xâm phạm bản quyền.
Bình luận (0)