LMHT: Bard và chuyến chu du trong đấu trường chuyên nghiệp

19/06/2015 10:52 GMT+7

"CLG đã ép TSM phải giao tranh với bùa lợi Baron, Kalista được tự do xả sát thương, chiêu cuối quá đẹp của Bard, xạ thủ của CLG bị cô lập, họ đang tan vỡ... quét sạch rồi." - Counter Logic Gaming chạm trán Team SoloMid, LCS Bắc Mỹ mùa Hè 2015.

Ra mắt một thời gian khá dài, sở hữu nhiều bài hướng dẫn sử dụng khá hoàn chỉnh, được kỳ vọng sẽ trở thành một ngôi sao mới tại vị trí hỗ trợ, nhưng Bard vẫn chỉ dừng lại ở vị trí tiềm năng. Người ta biết đến vị tướng này ở góc độ hài hước hoặc "phá game" nhiều hơn là một con bài thực sự ở đấu trường chuyên nghiệp.

Các tuyển thủ Hàn Quốc vẫn luôn là người đi đầu các trào lưu mới, cuối cùng họ đã tìm ra được cách khai thác tiềm năng của Ông Bụt Vũ Trụ, vị tướng có khả năng đảo lộn cục diện trận đấu cực kì kinh khủng. Chào mừng các bạn đến với chuyến du hành kỳ lạ của Bard trong Đấu trường Công lý.

LMHT: Bard và chuyến chu du trong đấu trường chuyên nghiệp

Đi chơi cùng Bụt nào (Ảnh: Riot Games)

Đa năng nhưng khó chơi

Ngay từ lúc ra mắt, đã có nhiều người cho rằng Bard sẽ thích hợp nhanh chóng với meta hiện tại trong Liên Minh Huyền Thoại, khi đổi đường là xu thế bắt buộc và tướng hỗ trợ phải di chuyển để giúp đồng đội trên khắp bản đồ. Nhìn qua nội tại tăng tốc, kinh nghiệm cũng như năng lượng, Bard rất phù hợp để rong chơi nhưng thực tế lại không đúng như vậy.

Khác với các hỗ trợ có thể đảo đường sớm như Alistar, Annie hay Thersh... kỹ năng của Bard phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố ngoại cảnh, đơn giản chỉ cần tránh ra khỏi các vách tường hoặc lính là vị tướng này sẽ không thể làm gì bạn được.

Bard khá giống Nami về bộ chiêu thức. Bụt có hồi máu, tăng tốc cho đồng đội và một kỹ năng khống chế rất lâu nhưng khó trúng. Bard cũng sở hữu một chiêu cuối vô cùng kỳ quặc mang tính chất "bóp" nhiều hơn là giúp đỡ. Những đội tuyển từng thử nghiệm đều mắc phải những lỗi tương tự nhau, họ thường dùng [R] - Thiên Mệnh Khả Biến, một thứ quá dễ để né tránh, để thử bắt lẻ kẻ địch từ xa hoặc dùng nó khi giao tranh đang hỗn loạn để rồi biến cả tất cả thành một đám tượng vàng vô nghĩa.

LMHT: Bard và chuyến chu du trong đấu trường chuyên nghiệp

Thiên Mệnh Khả Biến khi đồng đội đang bị bao vây chẳng khác gì tự bóp (Ảnh: LCS)

Với lối chơi vừa phức tạp lại khó kết hợp như vậy, tưởng chừng như Bard sẽ còn phải thử nghiệm dài dài nhưng đó chỉ là khi người Hàn chưa vào cuộc. Với kỹ năng và tư duy thượng thừa, họ đã tìm ra cách để đưa Ông Bụt Vũ Trụ vào hàng ngũ những hỗ trợ hàng đầu Đấu trường Công lý.

Vị tướng xoay chuyển thế trận

Bard trong giai đoạn đầu trận tuy không nổi bật như các vị tướng khác nhưng bù lại là sự ổn định, kỹ năng [Q] - Mắt Xích Không Gian rất dễ sử dụng để trao đổi chiêu thức vì trong những cuộc đấu 2 chọi 2, lính và tướng rất hay đứng chung một chỗ, không khó lắm để bạn có một cú làm choáng trúng đích. [W] - Điện An Lạc là công cụ để trụ đường cũng như rút lui hoàn hảo. Với sự bảo vệ của Bard xạ thủ sẽ rất an toàn, thậm chí còn không tốn máu khi đi đường.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì Bard vẫn chưa đủ tầm để so sánh với các hỗ trợ khác, cái làm nên sự khác biệt ở đây là khả năng xoay chuyển giao tranh khủng khiếp nhờ vào chiêu cuối [R] - Thiên Mệnh Khả Biến. Ở đây người Hàn đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm vô cùng quan trọng để sử dụng kỹ năng này.

Thứ nhất họ rất hạn chế sử dụng nó để bắt lẻ từ xa hay cố gắng cứu đồng đội đang tụt lại phía sau, tuy tầm thi triển rất xa nhưng thời gian để chiếc chuông vàng bay đến nơi khá lâu, chỉ cần để ý một chút là có thể né tránh dễ dàng. [R] được dùng để ép giao tranh khi đối thủ đang tấn công vào nhà, lúc đó xạ thủ phải đứng ở một tầm cố định để bắn tới trụ. Khi đội bạn xồ ra phản công kết hợp cùng chiêu cuối của Bard, bắt buộc đối phương phải đi vòng qua hoặc chấp nhận đổi phép bổ trợ nếu không muốn giao tranh bất lợi, kiểu gì bên phòng thủ cũng có lợi.

LMHT: Bard và chuyến chu du trong đấu trường chuyên nghiệp

Xạ thủ của KooTiger bị bắt lại khi đang tấn công trụ Samsung (Ảnh: LCK)

Thứ hai những vị tướng có thiên hướng lao vào tuyến sau như Maokai sẽ không được trọng dụng khi có Bard trong đội hình. Mục đích khác của Thiên Mệnh Khả Biến chính là vô hiệu hóa lượng sát thương đến từ xạ thủ hoặc pháp sư của đối phương trong một thời gian, vì vậy đồng đội phải là những vị tướng có khả năng giữ vị trí, tránh tình trạng cả ta lẫn địch đều bị vô hiệu hóa.

Lấy ví dụ như ở trận đấu giữa Counter Logic Gaming và Team SoloMid ở tuần thi đấu thứ 2 LCS Bắc Mỹ. Phút 33, CLG sau khi có bùa lợi Baron liền tổ chức tấn công đường giữa đối thủ, TSM vẫn lao ra phòng thủ. Mọi chuyện diễn ra tương đối bình thường khi hai đội va vào nhau. Maokai của Zionspartan cùng Nautilus lao lên trước, Kalista theo bắn, chính lúc này Bard trong tay Lustboy đã có một cú Thiên Mệnh Khả Biến trúng ngay Doublelift, vô hiệu hóa nguồn sát thương chủ yếu của CLG, đủ thời gian cho đồng đội xử lý chiến trường, sau đó thì mọi chuyện đơn giản chỉ là một cuộc tàn sát không thương tiếc.


Một chiêu cuối xoay chuyển cả trận đấu

Trong pha đó nếu để ý chúng ta sẽ thấy Gnar của Dyrus đã cố tình sử dụng chiêu cuối hất Maokai về chứ không phải xạ thủ hay pháp sư CLG, mục đích để tạo ra khoảng trống cho chiêu cuối của Bard. Trong một giao tranh lớn như vậy chỉ cần một trong hai chủ lực chính mất đi cũng đủ định đoạt tất cả.

Bard kết hợp cực tốt với những vị tướng có khả năng chặn đầu từ xa như Rumble, Twisted Fate hay Gnar. Trong những nơi mà kẻ địch buộc lòng phải tấn công vào như hang rồng, Baron hoặc bậc thềm trụ 3 thì chiến lược "chia để trị" sẽ phát huy hiệu quả tối đa nhất.

Lời kết

Với những màn thể hiện vô cùng ấn tượng gần đây, chắc chắn trong thời gian tới Bard sẽ trở thành một thế lực mới ở vị trí hỗ trợ. Vẫn còn nhiều điều mới lạ mà Ông Bụt bí ẩn này chưa được phát huy hết, chúng ta sẽ còn được thưởng thức những giao tranh hay combo vượt qua độ ảo diệu khi Bard tiếp tục hiện diện trên Đấu trường Công lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.