- LMHT: Mata sẽ qua Mỹ để gia nhập Team SoloMid?
- Giải LMHT ở Hàn Quốc có thay đổi lớn ở mùa 2015
- LMHT: SSW "tan đàn xẻ nghé" sau chức vô địch thế giới
Horo chuyển tới Millenium, Piglet đầu quân cho Curse, Mata đang suy nghĩ về nước Mỹ cũng như Trung Quốc, PawN, DanDy, Dade cùng Deft xách balô sang Trung Quốc. Đó là những thông tin chuyển nhượng rất được chú ý khoảng thời gian gần đây. Những hảo thủ Hàn Quốc lần lượt khăn gói rời quê nhà đi tìm miền đất mới khiến giới chuyên môn và cộng đồng đặt ra một dấu hỏi cho cuộc "đào tẩu" quy mô lớn này.
Có những giả thuyết mê tín cho rằng họ cố tình làm vậy để tránh lời nguyền của nhà vô địch. Nhưng liệu đây có phải tín hiệu cho thấy sự thoái trào của một đế chế Liên minh huyền thoại?
Đất chật người đông
Mới đây, Hiệp hội Thể thao Điện tử Hàn Quốc (KeSPA) đã cùng Riot Games và OnGameNet đưa ra kế hoạch về việc cải tổ giải đấu LoL Championship năm 2015.
(Ảnh: KeSPA)
Nhìn vào kế hoạch này người ta chú ý tới hai điểm. Đầu tiên là việc Lol Championship sẽ chuyển thể thức từ tourtament (loại trực tiếp) sang league (vòng tròn tính điểm), giống như các giải LCS Bắc Mỹ và Châu Âu. Đây có thể nói là một thay đổi cực lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến khâu tổ chức giải đấu cũng như thành phần tham dự. Các đội giờ đây sẽ phải có một kế hoạch hợp lý để chạy đường dài, đòi hỏi các tuyển thủ phải duy trì phong độ và kỹ năng trong suốt 4 tháng ròng.
Nhưng chúng ta chẳng còn lạ gì cường độ tập luyện dày đặc của người Hàn, thậm chí vào những thời điểm nước rút họ chỉ được ngủ 4 tiếng/ngày. Quá trình thích nghi với thể thức mới sẽ tốn kha khá thời gian, khi các tuyển thủ phải dàn sức cho thi đấu cũng như tập luyện, việc bị quá tải rất dễ xảy ra, và chắc chắn không phải ai cũng chịu được áp lực này.
Thay đổi thứ hai cần nói tới chính là việc giới hạn tổ chức đại diện cho mỗi đội, nói một cách dễ hiểu là vấn đề nhà tài trợ. Dù số lượng tuyển thủ trong đội tăng lên 10, nhưng giờ đây một nhà tài trợ chỉ có thể đứng tên cho một đội tuyển mà thôi. Sẽ không còn T1 K/S, sẽ không còn Samsung White/Samsung Blue, rồi Najin Shield/Sword, v.v.
Điều này lại gây hiệu ứng khá tiêu cực, bởi ai cũng muốn được chơi dưới màu cờ sắc áo của các đội danh tiếng. Hạn chế 1 nhà tài trợ 1 đội làm tăng tính cạnh tranh lên rất nhiều, trong khi những chiếc vé dự Chung kết Thế giới vẫn chỉ có vậy (nếu tăng cũng rất hạn chế) mà số lượng nhân tài ở Hàn Quốc ngày càng tăng lên.
Hàn Quốc - mảnh đất của nhân tài. (Ảnh: OnGameNet)
Ở CKTG mùa 3. Faker khiến mọi người kinh ngạc bởi tài năng hơn người. Chỉ 1 năm sau lại xuất hiện 2 con quái vật khác chẳng kém cạnh gì là PawN và Dade. Các tuyển thủ sẽ phải gồng mình để giành 1 xuất thi đấu chính thức cho đội mình mong muốn.
Vậy phải chăng họ nên chủ động thoái lui? Tìm đến một đội tuyển ở khu vực khác, nơi mà xét về trình độ chắc chắn người Hàn sẽ có đôi phần vượt trội hơn. Tìm được chỗ đứng, có được vị trí chắc chắn trong đội, đồng nghĩa với việc cơ hội được dự CKTG sẽ cao hơn, thay vì cứ bám trụ ở quê nhà, đấu đá nhưng chưa chắc đảm bảo thành công. Đây là một nước cờ khá thông minh, đặc biệt hợp lý nếu xét tới tuổi nghề ngắn ngủi của nghiệp game thủ.
Dù KeSPA cũng có những cải thiện về quy định mức lương sàn, thu nhập trực tuyến, nhằm hướng tới sự ổn định và chuyên nghiệp của bộ môn thể thao điện tử này, nhưng có lẽ đó là không đủ để níu giữ những hảo thủ tiếp tục gắn bó với quê nhà.
Toàn cầu hóa
Trong bất cứ môn thể thao nào, việc toàn cấu hóa luôn đóng vai trò quan trọng. Bởi khi các nền thể thao hội nhập ngày càng nhiều, tốc độ phát triển của bộ môn đó càng cao, LMHT cũng không phải ngoại lệ.
Hãy nhìn vào tấm gương của InSec và Lustboy, đặc biệt là hỗ trợ Lustboy. Anh thi đấu trong nước không quá nổi bật, nhưng chuyển hướng sang Mỹ và trở thành một thành viên không thể thiếu trong đội hình Team SoloMid mùa giải vừa rồi, thậm chí còn cùng đồng đội vào tới tứ kết. Đây chính là một minh chứng cho tính hấp dẫn của các giải đấu, cũng như các đội tuyển nước ngoài.
Lustboyt - hạng trung trong ngước, nhưng được trọng dụng khi xuất ngoại. (Ảnh: lolesports)
Trong bài phỏng vấn với Piglet khi anh chính thức chuyển tới Curse, cựu xạ thủ của SKT đã nói: "Vòng đời của game thủ Liên minh huyền thoại rất ngắn cho nên việc họ đi tìm những đội tuyển có điều kiện và đề nghị tốt là điều dễ hiểu. Và vì các đội tuyển nước ngoài có những đề nghị tốt hơn thì chẳng có lý do gì để từ chối cả."
Với mức lương tốt, hợp đồng ổn định, môi trường làm việc không quá áp lực, chẳng riêng gì người Hàn mà bất cứ người chơi nào cũng sẽ muốn thi đấu ở các đội phương Tây hay Trung Quốc. Chưa nói tới việc do luôn được đánh giá cao với cái mác "Hàn Quốc", các tuyển thủ này sẽ có nhiều đất diễn hơn ở quê nhà, đi đôi với cơ hội du đấu, giao lưu quốc tế nhiều hơn.
Việc toàn cầu hóa sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, người Hàn sẽ không rơi vào tình trạng dư thừa tài năng. Trong khi các khu vực khác sẽ có được những người chơi đẳng cấp, nâng cao chất lượng mà mặt bằng kỹ năng chung của giải đấu. Nhưng đây cũng là một tín hiệu manh nha cảnh báo cho việc thế giới đang bị ngộ độc "kim chi". Khi người Hàn có thể xuất hiện khắp mọi nơi, từ Bắc Mỹ tới châu Âu, lấn sân sang Trung Quốc, hay thậm chí là cả những nền thể thao điện tử mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil.
(Ảnh: Riot Games)
Thời gian đến mùa giải mới còn khá dài, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định được điều gì. Nhưng một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy rõ chính là ảnh hưởng của người Hàn đối với ngành công nghiệp không khói đang phát triển vô cùng mạnh mẽ này.
Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ được chứng kiến một vòng CKTG với phân nửa số tuyển thủ đều đến từ xứ sở K-Pop. Sự phát triển đi kèm với nhiều rủi ro, Riot Games sẽ phải can thiệp để đảm bảo các vận động viên trong nước vẫn có cơ hội thi đấu, người Hàn vẫn có thể "di cư" tuy nhiên không được quá ồ ạt.
Bình luận (0)