Lò bánh pía thủ công, gần 70 năm quyết giữ nghề

02/10/2016 13:31 GMT+7

Lò bánh Mỹ Hiệp Thành luôn làm bánh với quan niệm “gói cho nhà ăn”. Mỗi ngày, lò bánh không cho ra số lượng quá nhiều để bán đại trà như nhiều lò bánh pía khác ở tỉnh Sóc Trăng nhưng với hương vị độc đáo riêng biệt.

Mỗi ngày, lò bánh không cho ra số lượng quá nhiều để bán đại trà như nhiều lò bánh pía khác ở tỉnh Sóc Trăng nhưng với hương vị độc đáo riêng biệt và hình dáng hoàn hảo nhờ chủ lò bánh vẫn giữ nguyên cách gói tay truyền thống từ nhiều đời truyền lại suốt 70 năm, những ai từng thưởng thức bánh ở đây vẫn luôn được thỏa cơn ghiền.

Tiệm bánh pía ăn nóng suốt 70 năm của người Sài Gòn

Làm từ 5 giờ sáng đến 2 giờ khuya
Đó là thời gian gói bánh của người nhà lò bánh Mỹ Hiệp Thành do ông Trần Thanh làm chủ, ngụ tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Chị Trần Ngọc Thủy Tiên, con gái của ông Trần Thanh chia sẻ: “Vì nhu cầu thưởng thức bánh pía từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 8 tăng đột biến so với ngày thường, trong khi bánh thì được gói bằng tay, chứ không làm bánh bằng máy như nhiều lò khác, không thể cho ra số lượng nhiều cùng một lúc nên tôi và cha tôi buộc phải thức khuya dậy sớm. Và vì bánh pía của lò bánh này là bánh tươi nên cũng không thể làm để sẵn mà chỉ làm khi có đơn đặt hàng của khách từ ngày hôm trước, hôm sau làm giao ngay”.
Bánh sau khi gói xong cũng được chị Tiên khuyên chỉ nên ăn trong vòng 8 ngày trở lại bởi trong bánh không có bất cứ chất bảo quản nào.
Chuyện về lò bánh pía thủ công gần 70 tuổi 1
Chị Tiên cho biết, sở dĩ chị và cha chị phải thức từ 5 giờ sáng là để chuẩn bị nguyên liệu sẵn, đến 7 giờ các thợ đến làm, mới kịp đến khoảng 8 - 9 giờ tối xong, giao cho khách. Tuy vậy, có khi không kịp, thợ về hết, chị Tiên cùng cha phải thức đến tận 2 giờ sáng hôm sau mới xong.
Theo chị Tiên, những ngày cao điểm lò bánh của chị cho ra khoảng 1.200 cái, và đó cũng là “công suất” tối đa, không thể nhận hơn vì không đủ thời gian và thợ làm.
Thế nhưng, khi không được phục vụ liền, nhiều khách vẫn nhẫn nại “xếp hàng” chờ thêm vài ngày để được ăn bánh của lò này chứ nhất định không chịu chuyển qua ăn bánh của lò khác. Đơn giản bởi bánh của lò bánh Mỹ Hiệp Thành có hương vị hoàn toàn khác, không thể lẫn với bất cứ lò bánh nào.
Chuyện về lò bánh pía thủ công gần 70 tuổi 3
Lò bánh Mỹ Hiệp Thành luôn làm bánh với quan niệm “gói cho nhà ăn”. Nhìn cách gói bánh của ông Thanh, người ta chỉ có thể nghĩ đây là nghệ nhân đam mê với chiếc bánh pía chứ không phải làm để kinh doanh. Và vì với quan điểm đó nên ông Thanh cực kỳ khó tính.
Gói bánh pía phải trải qua nhiều công đoạn như hấp đậu xanh, làm nhân gồm trứng muối và lá can sại hoặc sầu riêng cùng mỡ heo, cán bánh, gói, nướng, bao bì, đều được ông Thanh làm cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, dù đậu xanh luôn được đặt hàng loại nhất nhưng trước khi hấp ông Thanh tỉ mỉ loại bỏ từng hạt đậu bị sâu, bị lép, đảm bảo đậu xanh khi hấp xong làm nhân phải thơm ngon nhất.
Với mỡ heo, ông Thanh luôn chọn mỡ của heo tơ đạt độ dẻo và thơm. Gặp phải mỡ không ngon như ý là ông trả lại ngay. Trứng vịt muối cũng được ông Thanh lựa từng trứng tròn, béo, thơm, dẻo. Ngay cả sầu riêng làm nhân cũng phải là loại sầu riêng hạt lép có độ ngọt, thơm và béo ngậy cao nhất. Lá can sại, nguyên liệu góp phần làm nên hương vị khác biệt, ăn ít ngán của lò bánh cũng được ông Thanh lựa từng lá đẹp nhất mang đi xắt nhuyễn.
Rồi đến khâu cán bánh gói thì ông cũng tự tay cán bột để bột thật đẹp trước khi gói nhân vào, từng cái được ông chỉnh lại kỹ càng trước khi đi nướng. Lúc nướng bánh, ông cũng ngồi túc trực bên lò để canh cái nào vừa chín tới vàng ươm thơm phức là lấy ra ngay.
Chuyện về lò bánh pía thủ công gần 70 tuổi  2
Theo chị Tiên, lò bánh ra đời từ trước giải phóng, khoảng năm 1950, được truyền từ đời ông cố của chị lại đến giờ. Đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, hỏi lò bánh Mỹ Hiệp Thành hầu như ai cũng biết, đặc biệt hỏi những người lớn tuổi, sinh khoảng những năm 1950 - 1960 sẽ được họ kể vanh vách về lò bánh này.
Rằng trước kia tiền thân là một quán cà phê nổi tiếng của ông cố chị Tiên. Quán rất đắt khách, đắt không chỉ vì cà phê ngon mà còn vì chủ quán phục vụ cả bánh pía cho người đến uống cà phê nhâm nhi.
Đó là bánh pía tí hon. Chiếc bánh nhỏ hơn bánh pía hiện tại rất nhiều, có trọng lượng chỉ khoảng 20 gr. Sau này, người ăn bánh càng nhiều nên chủ quán từ chuyển sang gói bánh bán là chính thay vì bán cà phê. Từ đó, người ta nhớ đến bánh nhiều hơn là cà phê…
Trăn trở vì khó có người kế nghiệp
Đó là nỗi trăn trở của ông Trần Thanh, dù bánh của ông hiện không chỉ nổi tiếng trong vùng, theo những chuyến đi xa của những người con vùng quê này, có khi ra tận nước ngoài mà còn được mở rộng phân phối thông qua doanh nghiệp có thương hiệu Quê (TP.HCM), nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để con gái ông là chị Trần Ngọc Thủy Tiên dũng cảm tuyên bố theo nghề.
Bởi theo chị, nghề làm bánh pía thủ công này quá vất vả, để chiếc bánh đạt độ ngon cao nhất đòi hỏi người làm bánh không chỉ gói tay thủ công mà còn phải gói bằng cái tâm, bằng niềm đam mê thật sự. Chỉ có thế mới có thể tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết nhỏ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu gói, nướng… để cho ra những chiếc bánh ngon nhất.
Đôi lúc, nghĩ đến những vất vả có thể quá sức con gái, ông Thanh cũng thôi, không làm áp lực đối với chị Tiên, nếu như chị muốn đổi sang nghề khác, không nối nghiệp cái nghề cha truyền con nối bao đời nay của gia đình. Nghe đến đây, câu chuyện cũng nhuốm chút ngậm ngùi, cho lò bánh cũng như cho những nghề truyền thống khác đang dần mai một...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.