Duy Xuyên là một huyện phát triển, nằm dọc theo bờ nam sông Thu Bồn (Quảng Nam). Huyện có 133.000 dân, phần lớn cư dân sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp. Miền đất này được các tổ chức văn hóa quốc tế biết đến bởi có khu đền tháp Mỹ Sơn - biểu tượng của văn hóa Hindu giáo lúa nước phương Đông, được vinh danh Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Nhờ đứng chân trên một vùng đất văn hóa nên cách ứng xử với nhau của người Duy Xuyên rất văn hóa, rất nhân văn, thấm đẫm tình người.
Minh họa: DAD
|
Năm nay, Duy Xuyên được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Kết hợp sự kiện trọng thể này với Ngày mừng 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 85 năm ngày thành lập Đảng bộ Duy Xuyên, chính quyền huyện Duy Xuyên đã tổ chức cho nhân dân toàn huyện ăn mừng lễ bắt đầu từ ngày 24.4.
Sáng 24.4, nhân dân tập trung về sân khấu lộ thiên hoành tráng dựng trong khuôn viên Huyện đội dự buổi lễ đón nhận huân chương, được trực tiếp truyền hình trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT). Buổi lễ diễn ra gọn nhẹ, khoa học, nghiêm túc, tràn ngập niềm hân hoan. Buổi tối cùng ngày là đêm biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc hoành tráng Giai điệu Duy Xuyên do các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 5, Đội múa Quân khu 5, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Duy Xuyên, Đội múa Chăm Khu du lịch Mỹ Sơn thực hiện. Chương trình cũng được truyền hình trực tiếp trên sóng của QRT.
Lần đầu tiên sau 40 năm, người Duy Xuyên cảm thấy tự hào, phấn khởi vì quê nhà đủ trí tuệ và lực lượng tổ chức những hoạt động lớn, đặc biệt là đảm đương được một chương trình biểu diễn ca múa nhạc giàu tính nghệ thuật, thanh thoát, để lại ấn tượng và sự cảm xúc sâu đậm trong lòng người thưởng ngoạn. Món ăn tinh thần đó đã được người Duy Xuyên chờ đợi 40 năm và bữa tiệc âm nhạc đã thực sự đem lại cho người Duy Xuyên, người Quảng Nam mối hảo cảm sâu đậm. Những trầm tích trong âm nhạc – văn hóa phi vật thể của đất Duy Xuyên, được phục hiện, đưa người ta đi vào một cõi bờ mới. Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với những động tác múa Chăm của ngàn năm trước qua hình tượng các Apsara bằng sa thạch trên khu đền tháp được các vũ công tài hoa của Khu du lịch Mỹ Sơn phục hiện. Tôi có thể khẳng định với các bạn là chỉ Duy Xuyên mới có văn hóa độc đáo kết hợp được âm nhạc hiện đại và vũ điệu truyền thống xa xưa này.
Để có được chương trình đó, huyện Duy Xuyên đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong suốt hơn một năm qua. Tháng 4.2014, tập nhạc Giai điệu Duy Xuyên được in xong tại TP.HCM với giấy phép của Nhà xuất bản Trẻ. Tập nhạc khá sang trọng gồm 35 ca khúc, ca từ được dịch ra tiếng Anh, in khổ 20x20 offset 4 màu; bìa giấy Bristol 360, ruột couchet matt 200. Tháng 9.2014, làm xong phần audio tại Minh Kỳ studio, Đà Nẵng. Tháng 2.2015, bắt đầu quay phim làm VCD. Tháng 3.2015, VCD được nhân bản xong, Duy Xuyên lên kế hoạch biểu diễn thật hoành tráng để phục vụ nhân dân. Toàn bộ các hoạt động này được coi là một bó hoa tươi thắm đóng góp vào vườn hoa âm nhạc cả nước và tỉnh Quảng Nam. Đêm biểu diễn có mưa ở 15 phút cuối của chương trình. Mặc cho mưa rơi, ca sĩ và nghệ sĩ múa vẫn tiếp tục biểu diễn. Các khâu chỉ đạo nghệ thuật chương trình, công tác truyền hình trực tiếp, âm thanh, ánh sáng, hậu đài đều đạt tính chuyên nghiệp cao.
Sau món ăn tinh thần là món ăn vật chất. Để nhân dân có niềm vui trọn vẹn, Huyện ủy và UBND huyện thống nhất tặng mỗi hộ 100.000 đồng tổ chức ăn mừng lễ. Số tiền ấy được phát về cho các tổ đoàn kết, tổ dân phố tổ chức tiệc mừng. Những người thơm thảo, khá giả ở các tổ tình nguyện góp thêm; cá biệt có nơi như ở xã Duy Trung, UBND xã đã góp thêm cho mỗi hộ 50.000 đồng nữa. Trẻ con, người già và tất cả mọi người dân bình thường đều được dự tiệc ăn mừng lễ. Bắt đầu từ chiều 25.4, đi đâu cũng thấy nhân dân ăn mừng. Đường hẻm, sân nhà văn hóa, sân đình, sân nhà tư nhân đều có thể tổ chức tiệc mừng vui vẻ, đông đảo, trật tự. Có những tổ dư dả tiền mời thêm một ban nhạc hay mướn một dàn karaoke. Anh nông dân, cô thôn nữ cầm micro cùng hát “Mùa xuân này về trên quê ta khắp đất trời biển rộng bao la”. Thật là một xã hội thanh bình, trật tự, tràn ngập tiếng âu ca.
Tổng số tiền UBND huyện Duy Xuyên tặng cho nhân dân ăn mừng lễ lên đến trên 3,6 tỉ đồng. Bạn có thể hỏi: Tiền ở đâu lo cho dân ăn mừng như vậy? Đó là số tiền mà huyện Duy Xuyên tiết kiệm được trong suốt 2 năm 2013 và 2014. Các cơ quan, ban ngành trong huyện đã giảm thiểu những chi tiêu lễ lộc, khởi công, khánh thành; công chức, cán bộ huyện đã giảm thiểu những chi tiêu cho liên hoan, mừng công. Họ góp tất cả các nguồn tiết kiệm trong hai năm lại để lo cho toàn thể nhân dân có một bữa tiệc vui. Tất nhiên trong đó, họ cũng là thành viên của tổ đoàn kết, tổ dân phố.
Trong những năm gần đây, kinh tế huyện Duy Xuyên phát triển mạnh mẽ; công nghiệp và dịch vụ thương mại khởi sắc. Vụ lúa đông xuân năm nay được mùa; bà con nông dân phấn khởi. Việc nhân dân cả huyện ăn mừng lễ tạo ra một hiệu ứng tích cực khác về chính trị xã hội. Nhân dân cùng ngồi lại với nhau, tình nghĩa hàng xóm láng giềng càng thêm gắn bó. Họ hiểu ra được tấm lòng của lãnh đạo, công chức, cán bộ huyện đã kiên trì tiết kiệm để lo “cái tết đoàn kết” cho mình nên càng thêm yêu quý chính quyền hơn. Trong bữa tiệc mừng lễ năm nay trên khắp huyện, không một mảnh đời bất hạnh nào và không một người dân nghèo nào bị quên lãng. Tôi nghĩ đến câu “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong bài cáo của Nguyễn Trãi và thực sự mừng cho cái hạnh phúc được cùng chia bùi sẻ ngọt của huyện Duy Xuyên.
Trước đó, TP. Đà Nẵng đã tổ chức tặng trên dưới 18 tỉ đồng cho nhân dân ăn mừng 40 năm giải phóng vào tháng 3.2015. Hành động tiên phong này đã được báo chí đưa thông tin ca ngợi. Huyện Duy Xuyên chưa phát triển được như thành phố này nhưng bằng cách tính toán khoa học, chủ yếu lấy hai chữ “tiết kiệm” làm đầu, cũng đã tổ chức thành công việc lo cho nhân dân ăn mừng lễ. Được cái là sản vật nông nghiệp và ngư nghiệp ở Duy Xuyên rất ngon và giá cả cũng rất rẻ. Bữa tiệc nào của bà con cũng có bò, gà, heo, tôm, cua, cá, mực. Tôi có thể khẳng định với các bạn rằng các loại thực phẩm này ở Quảng Nam tươi ngon nhất nước, phẩm chất hoàn hảo vì chúng không bị... doping như ở nhiều địa phương khác.
Chăm lo cho nhân dân có cuộc sống tinh thần và vật chất đầy đủ để nhân dân an vui, tăng thêm quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc là nhiệm vụ của chính quyền. Bốn mươi năm qua, nhân dân ta đã thật sự có được cuộc sống ấm no hạnh phúc; cái ăn tấm mặc không còn là vấn đề lớn để phải lo toan nữa. Nhân dân ta cũng từng tổ chức nhiều cuộc họp mặt vui vẻ vào các dịp lễ 30.4 hay 2.9 trong gia đình, trong cộng đồng nhỏ của họ hàng, xóm ấp. Thế nhưng, chuyện nhân dân cả thành phố ăn mừng như ở Đà Nẵng, cả huyện ăn mừng như ở Duy Xuyên thì là một điều mới mẻ. Và tôi nghĩ điều mới mẻ đó cần được phát huy, nhân rộng.
Một bữa ăn, một chương trình biểu diễn nghệ thuật đối với bà con thì không là gì cả nhưng tứ đại cùng có mặt, giàu nghèo cùng gặp nhau, láng giềng đều vui cười hỉ hả thì lại là một thịnh sự. Họ sẽ nhớ được và mong đến ngày lễ này năm tới cũng sẽ được gặp nhau trong không khí hân hoan như vậy. Họ sẽ yêu quý nhau hơn và quên đi những gút mắc đời thường, nếu có. Những hủ tục, những lễ hội quái chiêu mất văn hóa không còn đất đứng trong làng xã. Nhân dân sẽ có những suy nghĩ tích cực về chính quyền và càng thêm yêu quý chính quyền hơn. Bản thân chính quyền chăm lo tốt cho bà con ăn mừng lễ cũng nhận được nhiều hạnh phúc, mà cái hạnh phúc lớn nhất là lòng dân đang ủng hộ mình, đang đồng tâm nhất trí với mình. Nhân dân vốn sợ những bài diễn văn dài, đôi khi đầu Ngô mình Sở. Nay thì cách tổ chức cho nhân dân ăn mừng lễ của chúng ta đã được cách tân, được quần chúng hóa rộng rãi, bao gồm cả lễ và hội. Tổ chức cho nhân dân ăn mừng lễ không tốn kém bao nhiêu mà cái lợi thì đạt được rất nhiều, không thể đong đo cân đếm được. Đó là một hoạt động nên làm để thể hiện lòng yêu quý, kính trọng nhân dân.
Bình luận (0)