Sáng 27.11, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tọa đàm nhằm tiếp tục làm rõ nội hàm của kỷ nguyên vươn mình và sự vào cuộc, tận dụng cơ hội của TP.HCM để đóng góp nhiều hơn.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nhận định TP.HCM chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ, và điều cần làm là khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo để thực hiện 2 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ và TP.HCM.
Ông Lịch đưa ra mốc thời gian vào năm 1945 (100 năm thành lập nước) và đề xuất 5 nội dung chính: nền kinh tế phát triển thịnh vượng; người dân tự hào về văn hóa, lịch sử dân tộc; khoa học, giáo dục được đầu tư mạnh mẽ thích ứng xu hướng phát triển toàn cầu; tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo chuyên gia này, giai đoạn 2026 – 2035 có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc xác lập vị thế của TP.HCM trong 10 năm tới, trước khi đất nước dần bước vào thời kỳ dân số già.
Liên quan đến nhà ở, TS Trần Du Lịch đề nghị TP.HCM chú trọng các dự án cải tạo nhà ở trên và ven kênh rạch, định hình đô thị sông nước. Chuyên gia khuyến nghị địa phương thực hiện 3 chương trình về môi trường, nhà ở, chỉnh trang đô thị thành một chương trình tổng thể, đồng bộ chứ không tách thành chương trình riêng lẻ.
"Phải làm đột phá, khoét sâu vào bên trong, chuyển nhà ven kênh thành khu chung cư tạo không gian làm công viên, khu vui chơi", ông Lịch gợi mở. Đồng thời, TP.HCM cũng cần tạo đột phá chương trình phát triển nhà ở, chỉnh trang chung cư cũ, bố trí lại dân cư thông qua quy hoạch, công cụ tài chính, phát triển không gian ngầm.
Đồng quan điểm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực cho rằng, TP.HCM cần sớm xử lý những điểm nghẽn của một đô thị hơn 10 triệu dân. Trong đó, 3 điểm nghẽn lớn liên quan đến người dân cần được ưu tiên tháo gỡ gồm giao thông, xử lý rác thải và nhà ở.
"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Vậy tại sao người thì không có nhà, người thì có nhiều nhà, đất rộng hàng trăm ha. Đất đai sở hữu toàn dân thì người dân phải có chỗ ở", ông Trực nhấn mạnh.
Lượng hóa chỉ tiêu cụ thể trong kỷ nguyên vươn mình
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng cần lượng hóa được các chỉ tiêu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa trên nền thực tiễn hiện tại và nâng tầm lên. Đối với TP.HCM, địa phương mong muốn lượng hóa được từng giai đoạn phát triển, như trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một số chỉ tiêu quan trọng nhất.
Đối với giao thông, trước năm 2022, TP.HCM gần như không có vành đai nào, vành đai 2 giống như đường vành khuyên vì chưa khép kín. Dự kiến, hết nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau, TP.HCM sẽ có vành đai 3, khép kín vành đai 2, trình Trung ương thông qua dự án vành đai 4 và xây dựng.
Trong 5 - 10 năm tới, hệ thống đường vành đai của TP.HCM sẽ hoàn thiện, vừa tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, vừa tạo quỹ đất làm không gian phát triển mới.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho biết, TP.HCM đã chuẩn bị 25 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong giai đoạn tới. Để thực hiện các chỉ tiêu lớn, TS Vũ đánh giá việc huy động các nguồn lực xã hội rất quan trọng.
Đồng tình với việc ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, TS Trần Du Lịch khuyến nghị TP.HCM cần dành nguồn lực tương xứng để hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Đặc biệt, địa phương tập trung cho đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị để hoàn thiện 200 km vào năm 2035, đồng thời tiếp tục phát triển thêm 300 km nữa kết nối toàn vùng Đông Nam bộ.
Song song đó, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ cần sớm triển khai, vừa chở hành khách vừa chở hàng hóa, kết nối với Cần Giờ.
Về kinh tế, ông Phạm Chánh Trực phân tích nước ta chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà đã muốn có cơ cấu kinh tế như các nước phát triển, thương mại - dịch vụ từ 70 - 80% ở thời điểm hiện nay chưa phù hợp.
Đối với TP.HCM, ông cho rằng cần chú trọng phát triển công nghiệp, sản xuất bởi sản xuất sẽ kéo theo một loạt dịch vụ đầu vào, đầu ra. Hơn nữa, lịch sử TP.HCM đã là một trung tâm phân phối của khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên. Đồng thời, địa phương cần điều chỉnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, hạn chế hóa chất.
Về các động lực tăng trưởng mới, ông Trực cho hay, TP.HCM cần cơ chế đặc biệt để phát triển công nghiệp 4.0 có chọn lọc. "TP.HCM dứt khoát phải đi đầu nếu muốn làm đầu tàu", ông Trực nói thêm.
Xây dựng thương hiệu TP.HCM
Trao đổi tại tọa đàm, PGS-TS Vương Đức Hoàng Quân nhấn mạnh, đến yếu tố xây dựng thương hiệu của TP.HCM dựa trên 3 yếu tố: bản sắc và giá trị cốt lõi, hình ảnh và danh tiếng, mang lại trải nghiệm và lợi ích cho TP.HCM và người dân.
Việc xây dựng thương hiệu để tăng sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao danh tiếng, gắn kết cộng đồng, tạo niềm tự hào của người dân, góp phần xây dựng chiến lược phát triển, thúc đẩy sáng tạo. PGS-TS Vương Đức Hoàng Quân đề xuất chọn khẩu hiệu TP.HCM - Nơi khát vọng thăng hoa.
Bình luận (0)