(TNO) “Trong quá trình tuyển dụng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp để hạn chế tối đa được tình trạng học giả, bằng thật”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào chiều nay (26.3).
Trong phiên họp, nhiều đại biểu (ĐB) đã đặt vấn đề: những bất cập, khô cứng trong chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức hiện nay đang không phát huy được hiệu quả làm việc và năng lực của cán bộ, công chức. Qua đó, ĐB yêu cầu Bộ có giải pháp gì để xử lý.
|
Cụ thể, ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đưa ra hiện trạng gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm trường hợp cán bộ, công chức nhờ người thi hộ. Như thế, là bằng thật nhưng chất lượng giả được bổ sung vào hồ sơ cán bộ.
ĐB Tiến chất vấn Bộ trưởng: có phải do việc tuyển dụng công chức chỉ thông qua hồ sơ, áp lực bằng cấp nên đã làm nảy sinh tình trạng mua bán bằng cấp?
Bên cạnh đó, nhiều ĐB dẫn chứng: thi công chức dựa trên bằng cấp, một đề thi công chức chung cho hàng trăm người, vào những vị trí làm việc khác nhau; đặc biệt chưa có cơ chế “đào thải” cán bộ công chức, đã được tuyển vào rồi thì dù không đáp ứng được công việc cũng không bị sa thải. Như thế khó phát huy năng lực, trách nhiệm, sự phấn đấu của cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhìn nhận thực tế tình hình tuyển dụng cán bộ, công chức những năm qua có những diễn biến như các ĐB đã nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng giải thích, hiện nay, việc tuyển dụng đầu vào đã được thực hiện qua một kỳ thi tuyển, có môn kiến thức chung, có môn chuyên môn nghiệp vụ (hệ số 3), có môn ngoại ngữ, tin học, với mục đích để đầu vào đạt chất lượng.
|
“Trong quá trình tuyển dụng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp hợp để hạn chế tối đa được tình trạng học giả, bằng thật”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.
Bên cạnh đó, trong phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội về: chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở… chế độ lương, phụ cấp để cán bộ, công chức có thể sống bằng lương.
Đặc biệt, ĐB Huỳnh Văn Tính (tỉnh Tiền Giang) cho rằng hiện tiền lương của cán bộ công chức còn thấp so với nhu cầu đời sống thực tế.
Còn theo ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam thì ngạch bậc hiện nay còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, chưa có cơ chế lương phù hợp khuyến khích người có trình độ cao phục vụ nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết hiện Bộ đang tập trung xây dựng chương trình tổng thể cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020. Hướng chung của đề án trong những năm tới là đảm bảo xây dựng mức lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu đời sống thực tế đối với khu vực doanh nghiệp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, chính sách đối với bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công. Sau khi cải cách tiền lương sao cho mức lương tối thiểu đảm bảo được nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức thì bước tiếp mới là điều chỉnh ngạch bậc cho phù hợp.
Đã có 25 ĐB Quốc hội trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào chiều nay.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn và nhắc nhở Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện tốt đề án cải cách tiền lương, chế độ đối với cán bộ, công chức như đã trình bày trước ĐB, đồng thời giữ sự nghiêm minh trong tuyển dụng cán bộ, công chức.
Nguyên Mi
Bình luận (0)