Lỡ chuyến - Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

17/06/2018 10:00 GMT+7

Rất nhiều lần Trân nằm mơ thấy mẹ. Khuôn mặt mẹ trông rất hiền. Mẹ mặc chiếc áo màu nâu, trên vai có mảnh vá - chiếc áo ngày xưa mẹ vẫn thường mặc mỗi lúc đi chợ, đi làm đồng hay ngồi sau nhà thổi lửa nấu cơm, đun nước.

Mẹ gọi Trân về, mẹ bảo: “Hứa về hoài mà không chịu về, mẹ đợi, mẹ nhớ”. Trân thấy mình có lỗi. Thật tình thì Trân cũng muốn trở về thăm mẹ, rẫy mấy búi cỏ trên mộ mẹ hay ngồi tâm sự cùng mẹ trong những buổi hoàng hôn.
30 tuổi, Trân làm việc trong công ty kinh doanh có tiếng trên thành phố, lại là chủ của một quán trà sữa nho nhỏ trên con đường có hoa lộc vừng. Những chuyến công tác, những ngày bận rộn với công việc kinh doanh, loay hoay thì trời đã tối mịt, phố đã lên đèn, lại một ngày nữa trôi qua trong gấp rút. Bởi thế, những lần về quê của Trân thưa dần. Một ngày, Trân xót xa nhận ra đã 5 năm rồi Trân chưa trở lại cố hương. Bến đò cũ, con đường mòn lối đi quanh co xa dần trong trí nhớ của Trân. Mà Trân không về quê cũng bởi ở quê bây giờ Trân chẳng còn người thân. Ba bỏ đi từ khi Trân còn chưa hiểu lẽ đời. Mẹ ôm buồn về với đất còn xóm làng chắc gì nhận ra Trân từng là người quê, từng sống những tháng ngày hồn nhiên như cây cỏ?
Trong giấc mơ, Trân thấy mình hứa với mẹ đầu hạ Trân về. Nấn ná mãi thì những ngày hạ cũng sang, trên tán lá lộc vừng, con ve râm ran gọi hạ về trong miên man nỗi nhớ. Buổi chiều, Trân chợt nhớ ra lời hứa với mẹ trong đêm mộng mị. Công việc ổn thỏa, Trân gửi lại quán trà sữa cho một người bạn trông giúp. Sáng hôm ấy, Trân xách va-li rời nhà. Về quê, khái niệm ấy 5 năm trời xa mờ trong lòng Trân. Bây giờ Trân đang ngồi trên chuyến xe đường dài, con đường quen quen mà ngày xưa Trân còn chân ướt chân ráo, hai tay ôm khư khư cái giỏ đệm... “sợ bị giật giỏ”, lao vào đời. Dọc đường, Trân không nhớ chiếc xe đi qua bao nhiêu cây cầu, đường nhựa khi thẳng, khi uốn khúc giữa những cánh đồng xanh màu mạ non. Ngồi trên xe, Trân thả mắt ra ngoài cửa kính nhìn ngắm cảnh vật. Lòng Trân bộn bề, vui buồn xen lẫn...
*
Hồi Trân còn nhỏ, vui nhất là những lần được theo mẹ ra chợ. Thuở ấy, chợ tỉnh là nơi đông đúc, sầm uất cũng là nơi xa hoa mà trong tiềm thức những đứa trẻ quê, nơi ấy chẳng khác gì thành phố hoa lệ. Cũng chỉ là thi thoảng Trân mới được đi chợ cùng mẹ. Trân thức dậy khi trời còn chưa sáng, Trân ngồi chong đèn tết tóc gọn ghẽ thành hai bím rồi theo mẹ ra bến sông đón chuyến đò sớm nhất chạy ngang qua cồn. Nhà Trân nằm trên cồn - một phiến đất nhô lên giữa dòng sông Hậu mênh mông từng mùa sóng trắng. Ở đây, mỗi ngày có hai lượt đò ngang qua, đỗ bến. Một chuyến đò của chú Hai chở khách từ cồn qua bờ sông bên kia và ngược lại, một chuyến đò lớn hơn chạy từ phía dưới dòng sông ngang qua cồn đất rồi xuôi về phía chợ tỉnh. Ngày trước, với Trân không gì hạnh phúc bằng việc được theo mẹ ra chợ. Không phải Trân vòi vĩnh món ngon vật lạ ngoài chợ mà đơn giản chỉ để ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp của chợ bên sông trong sớm mai đầy nắng, khác hoàn toàn với sự tĩnh lặng đến tẻ nhạt của mảnh đất chơi vơi nằm giữa dòng sông. Trân nói với mẹ: “Đến chừng lớn lên, con ra phố mà sống, không ở cái cồn sông khỉ ho cò gáy này nữa đâu. Buồn lắm!”. Mẹ nhìn Trân, cười cười mà lòng xác xao như gió. Mẹ ngập ngừng một lúc rồi xoa đầu Trân, bảo: “Con còn nhỏ, chưa hiểu lẽ đời. Khi lớn lên, gặp nhiều khó khăn, va vấp, con mới thấy không ở đâu bằng mảnh đất quê mình, nơi con được mẹ sinh ra, nơi con sống những ngày bình an nhất!”. Trân ngả đầu vào vai mẹ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay trong khi mẹ vẫn còn ngồi vá áo...
Trân đến bến đò thì trời đã non trưa. Bến đò nằm bên bờ sông Hậu, dưới bụi tre tỏa bóng xanh rì. Dòng sông Hậu mênh mông, những con sóng vỗ hoài không biết mệt. Trên dòng sông Hậu, đò ai lặng lẽ xuôi dòng, lục bình bạt nước tấp vào bên bờ trổ hoa tím biếc. Bến đò mới được xây lại ngay chỗ của bến đò cũ năm nào. Đò chèo không còn, thay vào đó là những chiếc đò chạy bằng máy công suất cao, những chuyến qua cồn không còn vất vả nhọc nhằn và nguy hiểm như xưa.
Nắng rọi thẳng xuống dòng sông. Trân bước vào trong mái hiên đợi đò quệt mồ hôi, thở dốc. Từ bên trong, giọng một người đàn ông ồm ồm vang lên: “Xui chưa, trễ đò mất rồi!”. Trân vừa tiếc rẻ vì trễ mất chuyến đò duy nhất rời bến vào buổi trưa, vừa bàng hoàng nhận ra giọng nói ấy. Rõ ràng là của chú Hai hồi trước ngày mấy lượt đưa mẹ con Trân qua cồn, về bến. Trân buột miệng: “Chú Hai, chú Hai nhớ con không?”. Từ trong nhà, người đàn ông tóc hoa râm, mặt rám nắng, nheo mắt vừa bước ra vừa ngập ngừng: “Cô là...”. Trân nói vội: “Trân, con mẹ Út nè chú!”. Lúc bấy giờ người đàn ông mới nhận ra người thân quen đã lâu không gặp. Hóa ra, 5 năm xa cách - quãng thời gian có lâu bao nhiêu mà nhẫn tâm biến người ta trở thành những tâm hồn xa lạ như chưa từng gặp nhau trong cuộc đời. Chú Hai nói mà cái miệng mếu xệch, đôi mắt rưng rưng như sắp khóc: “Trời ơi, Trân, mày đi đâu mấy năm nay không về đây hả con? Chút nữa thì chú Hai đã không nhận ra con rồi!”. Mắt Trân đỏ hoe, ươn ướt. Không biết là Trân khóc hay bởi gió từ sông Hậu thổi vào làm mắt Trân cay xè.
*
Đứng trên bến đò, gió sông Hậu thổi vào ngọt bùi, mát rượi. Khoảng cách giữa Trân với mẹ lúc này chỉ cách nhau một nhánh sông vòng qua chia bờ bên này với cồn đất xanh um. Chú Hai ngồi trên ghế, chân chống chân xấp y hệt cái dáng ngồi trên mũi đò của chú ngày xưa. Chú kể: “Mấy năm nay, chú tưởng bây đi xa, có chồng rồi không về cồn nữa chứ!”. Trân dịu giọng: “Không về sao được hả chú? Mộ mẹ con còn nằm trên mảnh vườn nhà bên cồn. Lạnh lẽo, tội mẹ!”. Một cảm giác hoang hoải trong lòng, Trân nhận ra mình đã quá vô tâm với linh hồn của mẹ, với tiếng gọi của quê hương.
Chú Hai trầm giọng: “Lâu lâu chú cũng qua đó làm cỏ, đắp lại mộ cho mẹ bây. Bây ở xa chứ đừng có lo, ở đây còn chú Hai, còn bà con xóm cồn, đâu ai bỏ mộ mẹ bây lạnh lẽo đâu”. Trân im lặng, lòng thầm cảm ơn tấm lòng của những người chân quê không bao giờ vơi cạn, vẫn đong đầy như mặt nước sông Hậu bao mùa. Chú hỏi: “Con có gặp lại ba con không hả Trân?”. Im lặng khoảnh khắc, Trân thỏ thẻ: “Không chú à! Chắc hai ba con con lạc nhau luôn rồi”... Chưa bao giờ Trân thấy hận ba, chưa bao giờ. Trân nghĩ: Chắc ba chỉ ở tạm nơi mẹ rồi ra đi như con đò rời bến.
Chú Hai rít một đợt thuốc, nhìn Trân khen ra dáng người thành phố quá chừng. Chú cười: “Xóm cồn bây giờ đổi thay nhiều lắm! Chính quyền vận động xây trường, đắp đường, bắc cầu, dựng trạm y tế để người dân đỡ khổ. Mấy mùa trái cây trúng lớn, người xóm cồn cũng xây được nhà tường. Con về mà coi, cồn giờ trở thành nơi tham quan, du lịch nổi tiếng nhất nhì xứ này đấy con ạ!”. Nghe chú kể mà lòng Trân rộn rã. Trân khắc khoải nhìn về cái doi đất giữa sông. Sông Hậu bao dung cưu mang cho cồn đất, sông Hậu ngọt ngào như lòng mẹ bồi đắp phù sa để cồn đất vững chắc, cây trái tốt tươi, nụ cười tươi rói trên đôi môi người dân hiền từ lương thiện.
Trân tiếp lời: “Cả bến đò cũ của chú Hai ngày xưa cũng khác quá chừng, suýt nữa con đã không nhận ra...”. Chú lại cười: “Ừ, đưa khách mình qua cồn cũng có, khách nước ngoài cũng có, bởi vậy nên chú phải đổi từ đò chèo thành đò máy, an toàn, mát mẻ người ta mới chịu đi, xứ mình mới phát triển chứ”. Chú nói bằng giọng đầy tự tin. Chốc chốc, Trân lại nhận ra vài giọt nắng long lanh trong đôi mắt màu mây của chú...
Nhìn lên cao, trời đã quá trưa. Bóng chiều phấp phỏng phía xa xa, rồi hoàng hôn khẽ khàng đổ xuống những ngôi nhà cao tầng bên kia bờ sông Hậu ngùn ngụt gió. Trân hỏi: “Chừng nào mới có đò hả chú?”. Chú Hai bước ra bến, lóng ngóng một đỗi rồi đáp: “Còn chuyến cuối cùng trong ngày, khoảng nửa tiếng nữa là chạy đó con”. Lòng Trân nao nao, Trân đã đợi từ non trưa đến bây giờ thì ngại gì nửa tiếng?
Trong cuộc đời, có gì buồn hơn những lần lỡ đò, lạc chuyến? Mà, đôi khi lỡ chuyến lại là phút giây người ta nhìn nhận về hành trình của đời mình. Vui, buồn, sướng, khổ, tất cả rồi sẽ được chan hòa trong hơi ấm của bình yên nơi quê nhà năm cũ. Trân nhận ra: Lỡ đò thật buồn. Nhưng lỡ một chuyến đời lại càng đáng buồn, đau xót hơn...
Con đò ì ạch về bến chở lượt khách cuối cùng qua cồn trước khi trời tối mịt. Ngọn khói tỏa ra phía sau, êm ả tan vào hoàng hôn màu đỏ trên dòng sông Hậu. Hình như sông Hậu đẹp nhất lúc bình minh và buồn nhất khi hoàng hôn buông xuống. Sông Hậu chan chứa nỗi niềm, khiến cho bao kẻ xa quê se sắt chạnh lòng bùi ngùi nhớ...
*
Trân chào chú, bước xuống đò. Qua cồn. Con đò ra xa, Trân ngoái đầu nhìn lại bến vẫn thấy chú Hai đứng đó, cánh tay vẫy vẫy. Cánh chim bay là đà mặt sông. Nhìn bóng chú Hai, có cái gì vỡ òa trong lồng ngực Trân. Bóng chú Hai sao thân thuộc quá, sao giống bóng dáng người cha năm nào từng chiều dẫn Trân ra vườn hái trái cây, ra sông cưỡi trâu, tắm táp. Nước mắt chảy dài trên gò má Trân. Trong thanh âm trời chiều, trong tiếng máy đò ì ạch, Trân nghe giọng hò ngọt như mía lùi của một cô gái nào đó từ xa vọng lại: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm – Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh – Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ - Hậu giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời...”.
Dường như tháng năm nào trong ký ức, Trân cũng hát bài hát đó, trong buổi chiều ngồi trên bến sông gội đầu, chải tóc...
Về quê, Trân về với ngọn nguồn của yêu thương, về trong vòng tay bao dung của cố hương, trong lời ru sông Hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.