Sở GTVT TP.HCM vừa công bố kế hoạch thi công các công trình đào đường quy mô lớn trong năm 2011. Theo đó, từ nay đến giữa năm lần lượt khởi động 67 gói thầu của các dự án thoát nước, với tổng quy mô đào đường khoảng 21,5 km.
Đào lớn giảm, đào nhỏ tăng
So với năm ngoái đào hơn 30 km đường, quy mô đào đường của các dự án thoát nước lớn năm nay có giảm. Trong đó, Vệ sinh môi trường là dự án rào chắn nhiều nhất ở khu trung tâm đã hoàn thành đến 97%, chỉ còn khoảng 2,4 km cống. Tuy nhiên, “lô cốt” thuộc dự án này tiếp tục án ngữ tại các vị trí “hiểm” về giao thông nên nguy cơ gây ùn tắc vẫn rất cao. Chẳng hạn, đường Phan Đình Phùng, đoạn từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận sẽ tiếp tục dựng “lô cốt” trong 2 tháng rưỡi.
Gần đó, đường Nguyễn Trọng Tuyển, đoạn từ Trần Huy Liệu đến Phan Đình Phùng cũng bị rào chắn hơn 2 tháng. Một điểm “nóng” về kẹt xe khác là đường Bùi Hữu Nghĩa (đoạn từ cầu Bùi Hữu Nghĩa đến đường Vũ Tùng) dự kiến sẽ bị rào chắn đến 8 tháng do khu vực này có nền đất yếu, phải thay đổi biện pháp thi công.
Tương tự, người dân đi trên hàng loạt trục giao thông chính khác như Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, Trần Quang Diệu, Thích Quảng Đức… sẽ tiếp tục chịu đựng cảnh “lô cốt” cản trở giao thông. Ban quản lý dự án cho biết đang đốc thúc các nhà thầu hoàn thành và tháo dỡ toàn bộ “lô cốt” chậm nhất là tháng 8 năm nay.
Không đào nhiều lần trên một tuyến đường Nhằm hạn chế tình trạng một đoạn đường bị đào bới nhiều lần, Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật có nhu cầu lắp đặt công trình ngầm khẩn trương liên hệ các chủ đầu tư để có kế hoạch phối hợp đồng bộ trong thời gian thi công hệ thống thoát nước. Sở cũng đề nghị các quận, huyện và ngành cấp nước phổ biến cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt, nâng cấp, di dời đồng hồ nước liên hệ các đơn vị cấp nước trên địa bàn để được giải quyết. Bởi, sau khi các công trình xây dựng hệ thống thoát nước hoàn thành, Sở GTVT sẽ không cấp phép đào đường đối với những tuyến, đoạn đường đã tái lập hoàn thiện trong thời gian 3 - 5 năm. N.Đình Mười |
Trong khi dự án Vệ sinh môi trường sắp về đích, thì dự án Nâng cấp đô thị đang trong giai đoạn tăng tốc với 8 km đường dự kiến đào trong năm nay.
Tuy số lượng dự án đào đường quy mô lớn giảm, song hàng loạt dự án đào đường quy mô nhỏ và vừa của các đơn vị cấp nước, điện lực, viễn thông lại tăng chóng mặt với tổng số lên đến hàng trăm km. Ông Tăng Nái Tòng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM - cho biết trong năm nay, ngành điện đẩy mạnh việc ngầm hóa lưới điện với 26 dự án ngầm hóa tại 32 đoạn, tuyến đường và 9 khu vực vòng xoay, với quy mô lên đến hơn 50 km lưới trung thế và 50 km lưới hạ thế.
Đặc biệt, việc thi công ngầm hóa sẽ tập trung tại khu trung tâm, như: đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, xung quanh Công viên 23.9 (các đường Lê Lai, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái), vòng xoay Dân Chủ, ngã bảy Lý Thái Tổ, ngã sáu Ngô Gia Tự…
Tuy hào kỹ thuật để ngầm hóa lưới điện được xây chủ yếu dọc hai bên lề đường, song việc thi công sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông trong khu trung tâm của người dân. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng dự kiến đào hơn 300 km đường trong năm 2011 để phát triển mạng lưới cấp nước mới hoặc thay đường ống nước cũ mục.
Nỗi lo “hố tử thần”
Năm 2010 đánh dấu đỉnh điểm của việc đào đường bê bối khi có gần 22.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến 30 tỉ đồng, chưa kể sự xuất hiện của 64 “hố tử thần” rình rập người lưu thông.
Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP - cảnh báo nguy cơ “hố tử thần” tái diễn trong năm nay nếu không siết chặt việc đào đường. Hiện tổ công tác chuyên ngành đang tiếp tục triển khai rà soát “hố tử thần” bằng radar xuyên đất (của các chuyên gia Philippines) để đánh giá hiệu quả, báo cáo UBND TP. Tuy nhiên, ông Trường cho rằng để giải quyết tận gốc “hố tử thần”, ngay từ giai đoạn thi công, chủ đầu tư và Sở GTVT phải siết chặt kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đào và tái lập mặt đường.
Một nguyên nhân khiến tình trạng nhà thầu bê bối nở rộ là do các biên bản xử phạt hành chính còn mang tính hình thức, không có biện pháp cưỡng chế nhà thầu nộp phạt. Bên cạnh đó, trước nay việc cấp phép thi công cho nhà thầu khá dễ dãi, có hồ sơ là cấp phép chứ không cần biết nhà thầu đã vi phạm bao nhiêu lần, vi phạm những lỗi nghiêm trọng nào.
Do đó, năm nay Sở GTVT siết chặt công tác cấp phép đào đường bằng cách không tiếp nhận hồ sơ xin phép của nhà thầu vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nhưng chưa khắc phục. Các đơn vị này chỉ được tiếp tục cấp phép khi có văn bản của thanh tra giao thông xác nhận đã nộp phạt.
Ngoài ra, đầu mỗi tháng, thanh tra giao thông sẽ gửi danh sách các nhà thầu còn nợ tiền phạt đến các cơ quan cấp phép. Căn cứ vào danh sách này, cơ quan thẩm quyền sẽ từ chối nhận hồ sơ xin phép đào đường của nhà thầu chây ì.
Ông Nguyễn Bật Hận - Phó chánh thanh tra Sở GTVT - cho biết theo quy định mới, nhà thầu thi công không có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông sẽ bị thanh tra xử phạt với mức tối đa 30 triệu đồng/lần, chưa kể bị chủ đầu tư xử phạt theo hợp đồng.
Thanh tra cũng kiến nghị biện pháp cưỡng chế nộp phạt bằng cách phối hợp ngân hàng khấu trừ tiền vi phạm từ tài khoản của nhà thầu để chuyển vào kho bạc.
Phương Thanh
Bình luận (0)