'Lô cốt' tái xuất, kẹt xe gia tăng

09/12/2016 07:18 GMT+7

Cứ tới hẹn lại lên, cuối năm lô cốt xuất hiện khắp các tuyến đường tại TP.HCM khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân, cơ sở kinh doanh cũng điêu đứng.

Ùn tắc khắp nơi
Khi chưa có lô cốt cũng đã xảy ra ùn ứ,
nhưng từ khi dự án khởi công, kẹt xe nặng hơn rất nhiều. Với tình trạng thi công hiện nay, người đi đường chắc còn chịu khổ dài dài
Ông Trần Văn Chiến, chạy xe ôm tại khu vực ngã sáu Gò Vấp
Gần 3 tháng nay, từ khi dự án xây dựng cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp) thi công, nhà thầu đã chiếm một phần mặt đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh và dựng lên các lô cốt. Làn đường bị thu hẹp, giao thông trở nên quá tải, thường xuyên ùn ứ, kẹt xe suốt cả tuần. 7 giờ ngày 22.11, chúng tôi có mặt tại khu vực này chứng kiến tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Trên đường Nguyễn Kiệm, một dãy lô cốt kéo dài hơn 300 m hướng về vòng xoay Nguyễn Thái Sơn khiến làn đường bị thu hẹp còn chưa đến 2 m trong khi lượng xe quá đông không kịp thoát. Nhiều người điều khiển xe máy chen nhau nhích từng chút, vô cùng vất vả. Dù lực lượng cảnh sát giao thông luôn túc trực điều tiết nhưng tình trạng trên vẫn không cải thiện.
Cạnh đó, đường Nguyễn Oanh đoạn hướng về ngã sáu Gò Vấp, làn đường cũng bị thu hẹp một đoạn gần 200 m, tạo nút thắt cổ chai trong khi hàng nghìn phương tiện từ đường Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ liên tục đổ dồn về khiến giao thông kẹt cứng. Ông Trần Văn Chiến (63 tuổi, ngụ P.12, Q.Gò Vấp), chạy xe ôm tại khu vực này, cho biết: “Khi chưa có lô cốt cũng đã xảy ra ùn ứ, nhưng từ khi dự án khởi công, kẹt xe nặng hơn rất nhiều. Với tình trạng thi công hiện nay, người đi đường chắc còn chịu khổ dài dài”.
Tại địa bàn Q.6, một lô cốt dài khoảng 200 m nằm trên đường Hồng Bàng, cạnh chân cầu vượt Cây Gõ (P.6) cũng đang là nỗi ám ảnh nhiều tháng nay với người đi đường. Phần đường dưới chân cầu hướng về đường Phạm Đình Hổ chỉ còn khoảng 2 m. Mỗi khi ô tô lưu thông, toàn bộ tuyến đường bị bít kín, người chạy xe máy phải lao lên lề hoặc phải quay đầu xe để tránh. Đặc biệt, ngay tại đoạn đường này có một trạm xe buýt, xe thường xuyên qua lại. Mỗi lần xe buýt dừng đón trả khách, tất cả các phương tiện phải dồn ứ dài phía sau. Chưa kể ở đây có Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, đường hẹp nhưng học sinh đi lại đông gây mất an toàn giao thông.
Tại trung tâm TP, nhiều lô cốt cùng đua nhau mọc lên dày đặc phục vụ thi công công trình ngầm xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Q.1) tại một số đường như Lê Lợi, Pasteur, Đồng Khởi... khiến thường xuyên xảy ra ùn ứ.
“Lô cốt” tái xuất, kẹt xe gia tăng
Trước Bến xe Chợ Lớn Ảnh: Đ.N.T

Chạy vốn, giải ngân
Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết trên địa bàn TP hiện có 85 vị trí rào chắn thi công các công trình thoát nước, cấp nước và hạ tầng kỹ thuật khác, chiếm dụng trên 38 tuyến đường, tăng 7 vị trí so với tuần trước.
Hai tuần qua, nhiều nhà thầu bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính do sai phạm trong thi công. Theo ông Nguyễn Bật Hận - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, mức chế tài, xử phạt hiện nay quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhà thầu cứ vi phạm hoài. Chẳng hạn, Quyết định 09 do UBND TP.HCM ban hành năm 2014 quy định về đào và tái lập mặt đường, hành vi không hoàn trả mặt đường như nguyên trạng, với cá nhân vi phạm chỉ bị phạt cao nhất 3 triệu đồng, tổ chức bị phạt cao nhất 6 triệu đồng. Mức phạt này vẫn còn quá nhẹ. Nhà thầu chỉ cần bỏ ra ít tiền đóng phạt là vô tư thi công, tái lập cẩu thả. Thế nhưng hậu quả người dân gánh chịu, nhà nước tốn khoản tiền không hề nhỏ để đầu tư làm đường, phải tăng mức phạt để răn đe.
TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, dù có tăng mức phạt cũng không chấm dứt được tình trạng thi công bê bối và những sai phạm có tính kinh niên nói trên. “Có tăng tiền phạt lên cũng vậy, vì tiền đóng phạt đã được các nhà thầu hạch toán vào chi phí thi công dự án. Cuối cùng nhà nước cũng phải chịu”, ông Sanh nói.
Theo ông Phạm Sanh, cần thấy rõ trách nhiệm trong vấn đề này thuộc lãnh đạo Sở GTVT và cấp cao hơn là UBND TP.HCM. Bởi thông thường, kế hoạch đào đường trên địa bàn TP phải được lãnh đạo TP duyệt theo kế hoạch dài hạn. Phải phân phối hợp lý thời gian và các tuyến đường cần đào. “Tại sao đầu năm không đào mà phải đợi đến cuối năm? Đây là hiện tượng chạy vốn, giải ngân”, ông Phạm Sanh nói thẳng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng lý do cuối năm đào đường không ngoài mục đích để giải ngân cho xong nguồn vốn kế hoạch của năm đó. Có những dự án không cần phải hoàn thành mà chỉ cần làm một phần để được giải ngân. KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị: Phải buộc các chủ đầu tư tổ chức thi công rải đều trong mỗi quý của năm, thay vì dồn vào cuối năm. Bởi hầu hết các dự án sử dụng vốn ngân sách, nghĩa là kế hoạch vốn đã được duyệt, nếu không dùng hết trong năm coi như bị thu hồi. Với cách làm gấp gáp như vậy, dự án sẽ không hiệu quả, chất lượng, bởi mục đích làm là để đạt kế hoạch giải ngân. Do vậy, thường dự án thi công bày ra rất bầy hầy, lộn xộn trong dịp lễ, tết.
Kinh doanh thua lỗ, ế ẩm
Anh Nguyễn Văn Nguyện (46 tuổi, ngụ P.6, Q.6), chủ quán nước giải khát dưới chân cầu vượt Cây Gõ, cho biết công nhân đến lắp đặt rào chắn, đào đường lên rồi để đó đã hàng tháng nay, trong khi giao thông qua đây vô vàn khó khăn. “Mặt bằng mỗi tháng thuê 6 triệu đồng, nhưng công trình ngâm ngày này qua tháng nọ khiến cửa hàng ế ẩm. Rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết để người dân còn có đường sống”, anh Nguyện bức xúc.
Cách đó không xa, tại công trình cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP làm chủ đầu tư) trên đường Đỗ Ngọc Thạnh (P.14, Q.5), mặt đường cũng bị đào bới nát bươm. Đơn vị thi công dựng lô cốt chiếm gần hết toàn bộ lối đi, lòng đường thu hẹp còn chưa đến nửa mét nên ngay cả xe máy cũng phải nhường nhau mới đi được. Cũng vì thế, cửa hàng kinh doanh của người dân hai bên đường rơi vào tình trạng ế ẩm, thua lỗ. Một số hộ đã phải trả mặt bằng đi nơi khác làm ăn.
Bà Phan Thị Ánh Tuyết (60 tuổi, ngụ 77B Đỗ Ngọc Thạnh) bức xúc: “Công trình triển khai từ tháng 6 nhưng đến nay gần cuối năm vẫn chưa xong. Họ chỉ lập lô cốt, đào bới xong để đó chẳng làm gì. Mưa xuống gây ngập, đọng nước bốc mùi hôi thối. Làn đường còn quá nhỏ, xe máy qua lại phải tránh nhau nguy hiểm, vỉa hè bể nát khiến chúng tôi không buôn bán gì được. Không biết phải chịu cảnh này đến bao giờ nữa”.
Người dân ngụ trên các tuyến đường Lê Văn Việt, Nguyễn Xiễn, Nguyễn Văn Tăng (thuộc P.Long Thạnh Mỹ, Q.9) cũng đang vô cùng bức xúc khi đơn vị thi công đổ đất đá tràn lan trên vỉa hè, lòng đường khi triển khai dự án thi công nâng cấp đường, vỉa hè và mở rộng hệ thống thoát nước khiến xe cộ qua lại gây bụi mịt mù. Nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh đã phải đóng cửa do lối ra vào bị bít chặn, không khí ô nhiễm. Trên đường Nguyễn Văn Tăng, một chiếc xe xúc đất nằm bất động giữa đường vì hết nhiên liệu, gây cản trở giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.