Sau binh nhì Bradley Manning, người tuồn tài liệu mật của chính quyền Mỹ cho website WikiLeaks gây ra vụ rò rỉ rúng động năm 2010, đến lượt cựu nhân viên CIA Edward Snowden tạo nên một cơn địa chấn mới. Snowden, 29 tuổi, chính là nguồn tin tiết lộ cho báo chí về chương trình theo dõi internet khổng lồ mang tên PRISM của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Sau mấy ngày ẩn náu, người này bất ngờ tự lộ diện khi trả lời phỏng vấn báo The Guardian từ một khách sạn tại Hồng Kông.
Đối tượng săn lùng
Theo The Guardian, Snowden từng là kỹ thuật viên máy tính và bảo mật của CIA, hiện làm việc cho Booz Allen Hamilton, một công ty tư vấn - an ninh có quan hệ làm ăn mật thiết với NSA. Tờ báo dẫn lời Snowden cho biết anh bí mật bay đến Hồng Kông từ Hawaii vào ngày 20.5 và đang trong một khách sạn được giấu kín tên ở khu Cửu Long. “Từ sáng đến tối anh ấy ở trong phòng, kể cả lúc ăn uống”, phóng viên của The Guardian cho hay.
|
Trong đoạn phỏng vấn được đăng tải hôm qua, Snowden tuyên bố sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả từ “hành động xuất phát từ lương tâm” của mình, nhưng tỏ ra lo lắng cho người thân ở Mỹ. “Tôi sẵn lòng hy sinh mọi thứ vì tôi không thể đứng nhìn chính phủ chà đạp lên quyền riêng tư, tự do internet và các quyền tự do cơ bản của những người trên thế giới với cỗ máy do thám khổng lồ của họ”, Snowden nói. Theo tờ The Washington Post, Snowden bắt đầu “vỡ mộng” với chính quyền từ khi còn ở CIA nhưng chưa rõ anh này tiếp cận chương trình PRISM của NSA như thế nào. Trong đoạn phỏng vấn, Snowden tỏ ý muốn sang Iceland tị nạn. Tuy nhiên, AFP dẫn lời giới chức Iceland ngày 10.6 tuyên bố trước hết Snowden phải bay sang nước này để nộp đơn và hoàn thành thủ tục thì mới được xét có cho tị nạn hay không.
Trong khi đó, tại Mỹ, vụ việc đã được chuyển cho Bộ Tư pháp để điều tra hình sự, theo AFP. Trước đó, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper tuyên bố “sẽ săn lùng kẻ gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia”. Nếu bị bắt, có nguy cơ Snowden sẽ chịu chung số phận với binh nhì Bradley Manning, người đang bị xét xử tại Mỹ và đối mặt từ 20 năm tù giam đến chung thân.
Tác động khôn lường
Theo các tiết lộ của Snowden đăng trên The Guardian và The Washington Post cuối tuần trước, chương trình PRISM được thành lập năm 2007 và cho phép NSA truy cập trực tiếp vào các máy chủ trung tâm của 9 tập đoàn cung cấp dịch vụ internet lớn để theo dõi mọi dữ liệu mạng của người dùng, từ những cuộc nói chuyện qua các công cụ chat, hình ảnh, thư điện tử, tài liệu và nhật ký truy cập. Cùng với thông tin về một chiến dịch theo dõi hàng triệu thuê bao điện thoại cũng của NSA, vụ rò rỉ gây ra một cơn bão lớn trong dư luận Mỹ. Đích thân Tổng thống Barack Obama phải lên tiếng bênh vực rằng PRISM là “công cụ cần thiết” để chặn đứng các âm mưu khủng bố và bảo vệ an ninh quốc gia.
Lãnh đạo tình báo Clapper thì khẳng định đối tượng theo dõi của PRISM là những người “không phải công dân Mỹ” sống bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố này lại đẩy các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới vào thế khó xử. Dư luận nhiều nước, từ Anh, Úc đến New Zealand, yêu cầu chính phủ làm rõ xem họ có cho phép Mỹ theo dõi công dân nước mình hay không và có được chia sẻ thông tin từ PRISM hay không, theo Reuters. Ngoại trưởng Anh William Hague phải lên tiếng thanh minh rằng “mọi thông tin đến Anh từ Mỹ đều phù hợp luật pháp Anh”. Tối qua (giờ VN), ông Hague đã có cuộc điều trần trước hạ viện về vụ này.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định hành động của Snowden sẽ làm bùng lên các cuộc tranh luận về cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền tự do của người dân. Trước mắt, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ phải rà soát lại toàn bộ các biện pháp an ninh - bảo mật cũng như siết chặt quan hệ với các nhà thầu quân sự.
Ngoài ra, tình hình đang khá phức tạp với Mỹ, Trung Quốc cũng như đặc khu Hồng Kông. Hai nước không có hiệp ước dẫn độ nhưng giữa Washington với Hồng Kông thì có. Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh có thể phủ quyết quyết định dẫn độ của chính quyền Hồng Kông nếu cảm thấy “ảnh hưởng chính sách quốc phòng và ngoại giao”. Vụ việc xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi Tổng thống Obama vừa hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan hệ song phương và như tờ The Atlantic dẫn lời giới quan sát đánh giá Bắc Kinh đang đứng giữa ngã ba đường: trả Snowden cho Mỹ để không làm xấu thêm quan hệ hay giữ anh ta lại nhằm khai thác thông tin và làm con bài ngã giá với Washington. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có bình luận gì, còn AFP dẫn lời nhà lập pháp Hồng Kông Regina Ip nói Snowden nên nhanh chóng rời khỏi đặc khu này.
Vẫn còn khuất tất Nhiều ý kiến cho rằng thông tin về Edward Snowden còn mù mờ với một số điểm đáng ngờ. Theo The Guardian, Edward Snowden từng gia nhập quân đội năm 2003 nhưng được xuất ngũ sớm vì gãy cả hai chân trong lúc đang tập huấn. Dù chưa có bằng trung học, Snowden thành thạo kỹ năng máy tính và được nhận vào CIA và thăng tiến nhanh chóng. Sau đó, anh ta làm việc cho Hãng Booz Allen Hamilton với mức lương “khủng”. Trong khi đó, nhiều cựu quan chức tình báo, trong đó có người đang làm tại Booz Allen Hamilton, cho hay chẳng biết Snowden là ai hay anh này xuất thân từ đâu. |
Thụy Miên
>> Phanh phui những chiến dịch bí mật "bẩn thỉu" của CIA
>> Nga lật tẩy cách chiêu mộ gián điệp của CIA
>> Nga ra lệnh trục xuất sĩ quan CIA
>> Nhân vật làm rung chuyển nước Mỹ lộ diện
>> Người già nhất nước Mỹ mừng sinh nhật 114 tuổi
Bình luận (0)