Lo giám khảo chấm lệch môn văn

08/06/2018 09:33 GMT+7

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố hướng dẫn chấm (đáp án) đề thi tuyển sinh 10, nhiều giáo viên và học sinh (HS) băn khoăn vì đáp án chấm có nhiều câu thiếu cụ thể, chi tiết.

Chẳng hạn ở câu 1, đọc hiểu văn bản: Đáp án của câu a (0,5 điểm) chỉ mới đưa ra 3 ý trả lời. Nên cụ thể hơn là trả lời được 1 hoặc 2 ý thì được bao nhiêu điểm.
Ở câu 2, câu viết bài văn 1 trang giấy thi có sự chọn lựa 1 trong 3 hình minh họa, chúng tôi thấy thang điểm cho ở phần b (xác định đúng vấn đề nghị luận) chỉ cho chung là 2 điểm mà không cụ thể điểm từng ý như thế nào. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc chấm lệch điểm giữa các giám khảo.
Tương tự như câu 2, ở câu 3 (chọn 1 trong 2 đề, 4 điểm), phần xác định vấn đề nghị luận cũng chỉ đưa ra thang điểm chung (3 điểm) chứ chưa cụ thể. Trong khi phần này có rất nhiều ý. Chẳng hạn ở đề 1, nên cụ thể phần cảm nhận về người lính trong 2 khổ thơ là bao nhiêu, và phần liên hệ với một tác phẩm khác cùng đề tài là bao nhiêu.
Hy vọng những băn khoăn trên sẽ được hóa giải rõ ràng ở hội đồng chấm khi thống nhất đáp án chấm chung để giúp giám khảo chấm đều tay và đem đến sự công bằng cho thí sinh.
Học sinh sẽ sợ môn văn ?
Với đề thi tuyển sinh môn ngữ văn lớp 10 Hà Nội, nhiều giáo viên tại TP.HCM nhận xét đề không tạo điều kiện cho HS thể hiện sự sáng tạo trong suy nghĩ. Và hơn hết sẽ khó lòng khiến HS thay đổi cách học và yêu môn văn.
Giáo viên một trường THCS tại Q.2 (TP.HCM) cho biết: “Đề thi thiên về truyền thống, mang nhiều tính học thuật như kiểm tra kiến thức. Cũng có vận dụng kiến thức để viết đoạn, liên hệ nhưng không nhiều. Đề như vậy dễ dàng dẫn đến việc học tủ, văn mẫu, không kích thích sự sáng tạo và đầu tư của HS ở bộ môn này”.
Tương tự, một giáo viên bậc THPT tại Q.1 nhận xét phần 1, câu 3 có cách hỏi mới so với các năm trước. Câu hỏi tuy không khó (chép thuộc lòng một câu thơ) nhưng nếu HS không nhớ, không thuộc thì khó trả lời chính xác được. Nhất là khi câu thơ ấy chỉ nằm trong một bài thơ mà lại được học ở lớp dưới chứ không phải trong chương trình lớp 9. Một số giáo viên cho rằng như vậy quá máy móc, khiến HS phải học thuộc lòng và sợ hãi môn văn.
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.