Lo gỗ Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam

Chí Nhân
Chí Nhân
03/09/2018 08:18 GMT+7

Bị áp mức thuế cao từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gỗ Trung Quốc đang tìm cách “mượn” xuất xứ từ các thị trường xung quanh, trong đó có VN để né thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Từ phập phồng
Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long (Lavanto Home Décor) - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt đang lo sản phẩm gỗ Trung Quốc giả xuất xứ VN để vào Mỹ. Điều này là có cơ sở vì hiện tại có một số công ty Trung Quốc đang đầu tư vào ngành gỗ VN. Tuy nhiên VN không phải là điểm đến duy nhất của các DN Trung Quốc, họ sẽ tỏa ra nhiều nước khác trong khu vực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific ở Đồng Nai, lạc quan hơn khi cho rằng giả xuất xứ đối với ngành gỗ khó và phức tạp hơn các ngành khác vì sản phẩm cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao. Nếu làm vậy, Trung Quốc cũng không có lợi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra vấn đề: “Điều đáng lo là các DN nhỏ vào, núp bóng người Việt mở nhà xưởng sản xuất. Nếu việc này phát triển quá nhiều sẽ ảnh hưởng ngay đến ngành sản xuất gỗ nội địa”. Theo cộng đồng DN, nếu muốn giả xuất xứ khả năng lớn các DN Trung Quốc sẽ đầu tư mở nhà xưởng ở các tỉnh phía bắc do giá nhân công rẻ lại gần biên giới, giảm chi phí vận chuyển.
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của VN. Vì vậy, nhiều DN lo ngại nếu các DN Trung Quốc mượn xuất xứ VN để né thuế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và thương hiệu của VN vào Mỹ. Các DN cũng lo lắng, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn sản phẩm gỗ ở thị trường Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế sẽ đẩy mặt bằng giá của nhóm sản phẩm này tăng làm cho sức mua giảm. Nếu tốc độ tăng trưởng quá cao của sản phẩm gỗ từ VN vào Mỹ có thể gây bất lợi về lâu dài vì họ có thể đặt ra các hàng rào kỹ thuật, thuế quan đến sản phẩm từ VN. Trong khi đó, Mỹ lại đang chiếm tới gần 40% thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của VN, nếu có bất kỳ sự tác động nào từ thị trường này sẽ rất nguy hiểm.
Một DN cho biết mới đây có đối tác đến từ Đan Mạch muốn thuê nhà xưởng diện tích tối thiểu đến 200.000 m2. Với tiềm lực tài chính lớn, các DN nước ngoài sẽ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Do vậy, DN Việt cần chuẩn bị nâng cấp máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ để tránh thất thế.
Đến cơ hội
Theo Bộ Công thương, việc gỗ Trung Quốc bị áp mức thuế cao ở Mỹ đã mở ra cơ hội lớn cho hàng VN.
“Chưa phải là hiện tượng đột biến nhưng trên thực tế thời gian gần đây số lượng khách hàng từ Mỹ quan tâm đến sản phẩm gỗ của VN nhiều hơn bình thường. Đây cũng là điều dễ hiểu vì họ muốn chuẩn bị nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, tiềm năng lấp chỗ trống ở thị trường Mỹ không quá lớn vì hiện tại các DN của Mỹ đầu tư vào ngành gỗ ở VN cũng khá nhiều”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói.
Những người trong ngành cho biết, DN gỗ muốn đẩy mạnh hàng xuất khẩu vào Mỹ để thế chân Trung Quốc cần tính đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện tại và cả trong những năm tiếp theo VN phải nhập khẩu khoảng 20 - 30% nguyên liệu. Nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn cho VN thời gian qua là Trung Quốc. Năm 2017, VN nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đạt tới 363 triệu USD, tăng đến 27% so với năm trước đó. Việc sử dụng gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đồng nghĩa với nguy cơ hàng VN sẽ bị đánh thuế. Trong khi đó, các nước cung cấp gỗ nguyên liệu lớn cho VN lại đang có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu.
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN-PTNT, các DN gỗ VN tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tính hợp pháp cao như: Brazil, Chile hay Mỹ. Năm 2017, VN cũng hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật (VPA-FLEGT) với EU. Đây đều là những lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ VN hiện tại.
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cách tốt nhất là các DN phải minh bạch được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. So với các nước trong khu vực, VN đã xây dựng được nền tảng này rất tốt. Tính đến cuối năm 2017, VN có đến 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó có 49 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha. Hiện nay nhiều DN đã đi theo hướng phát triển bền vững bằng cách liên kết với người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, nhập khẩu nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng… Những DN này sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến trên vì đó là xu hướng tiêu dùng hiện nay của thị trường thế giới.
Giảm xuất dăm, tăng sản phẩm gỗ
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2017 tổng lượng gỗ khai thác từ rừng trồng của VN là 25 triệu m3. Trong khi đó, lượng dăm gỗ xuất khẩu đến 11 triệu m3, sản phẩm gỗ bóc và sản phẩm khác chỉ có 2,6 triệu m3, ván công nghiệp các loại chỉ có 1,7 triệu m3. Có thể thấy gần một nửa sản phẩm rừng trồng được khai thác chỉ để bán dăm gỗ cho Trung Quốc làm bột giấy. “Làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho gỗ rừng trồng trong nước”, báo cáo của Bộ NN-PTNT nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.