Thủ tục “một cửa chính nhưng nhiều cửa phụ”
Cụ thể, theo Quyết định 15/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.7 có 17 nhóm hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu như: bia, rượu, ô tô, vàng mã hay các loại thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng phục vụ gia công... Tuy nhiên, do có nơi hiểu “cửa khẩu nhập” là nơi hàng hóa được dỡ xuống từ phương tiện vận tải, có nơi lại cho rằng "cửa khẩu nhập" là nơi hàng hóa được vận chuyển đến theo chứng từ vận tải của hãng tàu nên việc thông quan bị chậm lại. Đến ngày 20.7, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 4824 hướng dẫn thêm về việc thực hiện Quyết định 15 thì tình hình càng trở nên bế tắc khi đã có cả ngàn container bị ùn ứ, chủ yếu tại cảng Cát Lái (TP.HCM) vì Tổng cục Hải quan cho rằng chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công thuộc cục hải quan TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng không phải là chi cục hải quan cửa khẩu nên không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa.
Như vậy, doanh nghiệp (DN) có cơ sở sản xuất chế biến đặt tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… hàng nhập về cảng TP.HCM nhưng phải đưa về hải quan các tỉnh đặt nhà máy để thông quan. Sau đó, lại phải chở hàng hóa về trạm kiểm dịch II tại TP.HCM để kiểm dịch thực vật theo quy định. Quá bức xúc, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan về việc hàng trăm container điều thô nhập khẩu và điều nhân xuất khẩu buộc phải lưu bãi chờ thông quan khiến DN đội thêm nhiều chi phí. Nhưng cũng phải tới lần thứ ba, ngày 27.7 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã gửi Công văn hỏa tốc số 5009 đến Cục Hải quan TP.HCM cho phép DN được lựa chọn nơi làm thủ tục nhập khẩu thì hàng hóa mới được giải phóng.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 chuyên sản xuất hạt điều, cho biết sau khi Tổng cục Hải quan có Công văn 5009, ngay buổi sáng ngày hôm sau toàn bộ 100 container của công ty đã được thông quan. Nếu không có Công văn 5009 thì DN không có đủ người để làm tất cả các thủ tục hải quan. Hoặc nếu thuê thêm người thì cũng phải có thời gian và phát sinh chi phí cho DN. Chưa kể hàng hóa chạy 2 “vòng” mới vào sản xuất được và việc giải phóng hàng chậm sẽ gây ùn ứ, kẹt tàu, kẹt cảng. “Trong khi tất cả các ngành hàng của chúng ta đang phải vất vả cạnh tranh với các DN cùng ngành nghề ở nước ngoài, nay lại đội thêm bao nhiêu chi phí và thời gian thì chắc chắn chúng ta sẽ thua. Đây là vì lợi ích chung của cả DN, đi ngược tinh thần cải cách một cửa của Chính phủ”, ông Huyên nói.
Cũng bị vướng hơn 100 container hàng nguyên liệu gia công vải sợi tại cảng Sài Gòn đến tháng 7 vừa qua mới được “giải cứu”, song thiệt hại kinh tế là không nhỏ, bà P.T.Phương, trưởng phòng giao nhận một DN tại Đồng Nai, cho hay: “Trả thêm chi phí kho bãi, chi phí đi lại mấy chục triệu không đáng kể bằng phải hoãn các đơn hàng của đối tác. Trong bối cảnh các DN phải cạnh tranh nhau từng đơn hàng, việc thất hứa với đối tác đến 2 - 3 lần là điều khó chấp nhận. Chúng tôi đã phải đối diện hoàn cảnh đó mà lỗi không phải từ phía chúng tôi”.
Hải quan muốn "kéo" Doanh nghiệp về địa phương mình ?
Ông Nguyễn Hải An, đại diện giao nhận của một công ty logistics ở TP.HCM, đặt nghi vấn: “Vấn đề có thể là do các chi cục hải quan hiểu sai, hoặc không đồng nhất trước một quy định mới nhưng không loại trừ nhiều hải quan các tỉnh muốn “kéo” DN về địa phương làm thủ tục thông quan”. Theo ông An, những công văn hỏa tốc, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan chỉ mới là giải pháp tình thế, vấn đề là một quyết định cấp Chính phủ vẫn có hiệu lực trên toàn quốc. Và quy định mới này không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN theo tinh thần cải cách của Nghị quyết 19/2017.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nhận định theo quy định tại Công văn 4824/TCHQ, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, đầu tư của Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan Hải Phòng không phải hải quan cửa khẩu nên không làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập về thuộc danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo Quyết định 15/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này gây chồng chéo trong quản lý. Bởi do đặc thù của từng địa phương, hải quan của TP.HCM lại vướng quy định này trong khi hải quan tại hai thành phố kia lại không. Chỉ tính riêng tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư của Cục Hải quan TP mỗi năm thực hiện thủ tục hải quan cho khoảng 3.000 DN đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, việc cho ngưng cho DN làm thủ tục hải quan tại đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ùn ứ nói trên.
“Thế nên, vấn đề này cần được đưa ra mổ xẻ với sự tham dự của nhiều đơn vị, hiệp hội ngành hàng để có hướng giải quyết chung và đồng bộ trên diện rộng, không riêng gì tại TP.HCM nhằm tránh tình trạng vướng đến đâu gỡ đến đó, gây thiệt hại cho DN và cả khó khăn cho cơ quan hải quan. Quan trọng là không đi ngược lại tinh thần cải cách hành chính của cơ quan hải quan”, ông Thắng nói.
Bình luận (0)