Với động cơ năng lượng nguyên tử, tàu ngầm có thể kéo dài thời gian hoạt động mà không cần phải nổi lên để tiếp năng lượng. Sau những cải tiến liên tục trong gần 6 thập niên, tàu ngầm hạt nhân hiện nay trên lý thuyết có thể hoạt động mãi mãi, chỉ bị giới hạn bởi dự trữ lương thực và sức khỏe của thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, do đòi hỏi chi phí lớn và công nghệ cao nên hiện chỉ có 6 nước là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng tàu ngầm hạt nhân, còn ít hơn số quốc gia có tàu sân bay (hơn 10 nước).
Bên cạnh đó, nhiều loại tàu ngầm hiện đại được trang bị những phiên bản tên lửa tối tân dùng để tấn công tàu chiến, đối không lẫn tấn công vào đất liền. Trong đó, các lớp tàu mang tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân (SSBN) đóng vai trò quan trọng số 1 trong bộ ba răn đe hạt nhân (tức khả năng phóng vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển). Chuyên trang World Politics Review dẫn lời các chuyên gia đánh giá chỉ cần một vài SSBN là có thể thực hiện chức năng răn đe tốt hơn những giàn tên lửa phóng từ mặt đất hay vũ khí hạt nhân vận chuyển bằng máy bay.
Mỹ vẫn là “anh cả”
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, chiếc USS Nautilus của nước này là tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Quyết định đóng tàu được đưa ra vào tháng 8.1951 và đúng 7 năm sau, USS Nautilus trở thành tàu ngầm hạt nhân đầu tiên di chuyển qua lòng biển Bắc Cực (8.1958). Đến nay, Mỹ vẫn giữ vị trí tiên phong về tàu ngầm hạt nhân, cả công nghệ lẫn số lượng.
|
Lực lượng SSBN chủ lực của Mỹ hiện nay là 14 chiếc lớp Ohio (4 chiếc còn lại thuộc lớp này không mang tên lửa đạn đạo), độ choán nước 18.750 tấn khi lặn. Tàu được trang bị 24 ống phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II tầm bắn 12.000 km với mỗi quả mang 12 đầu đạn hạt nhân. Với tầm hoạt động không giới hạn và độ vươn xa của tên lửa, tàu ngầm lớp Ohio có thể dễ dàng đóng vai trò răn đe chủ lực trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay, đặc biệt nếu được triển khai từ căn cứ ở Hawaii.
Có tàu Ohio thủ vòng ngoài, hải quân Mỹ có thể yên tâm triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia đến vùng tây Thái Bình Dương. Nhỏ gọn, linh hoạt, di chuyển cực êm cùng hệ thống tàng hình tối tân, 9 chiếc lớp Virginia của Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk tầm bắn trên 1.000 km, rất thích hợp hoạt động trong các vùng biển không sâu và nhiều bãi cạn, đá ngầm ở tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 5.2012, các bên trong khu vực “giật mình” khi tàu USS North Carolina bất ngờ thăm Philippines, theo AFP. Khi đó, căng thẳng vừa bùng phát giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough và dư luận bên ngoài hầu như không biết trước về việc con tàu đến khu vực cho đến khi nó “trồi lên” ở cảng Subic.
Nga chú trọng Thái Bình Dương
Nga hiện đang giữ kỷ lục sở hữu tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới là lớp Typhoon với độ choán nước tối đa lên tới 48.000 tấn, được đưa vào hoạt động từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu tác chiến hiện đại, nước này đã chế tạo lớp tàu kế thừa mang tên Borei, nhỏ gọn hơn (độ choán nước chỉ còn phân nửa) và được trang bị từ 16-20 tên lửa đạn đạo Bulava, theo RIA-Novosti.
Tàu lớp Borei đầu tiên mang tên Yuriy Dolgorukiy đã được biên chế cho Hạm đội Phương Bắc hồi tháng 1. RIA-Novosti dẫn lời giới chức hải quân cho biết 2 chiếc tiếp theo, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay và đầu năm 2014, sẽ hoạt động ở Thái Bình Dương. Giới quan sát nhận định quyết định trên là bằng chứng cho thấy Nga đang lo ngại lợi ích tại Thái Bình Dương bị ảnh hưởng do các chuyển biến mới về an ninh trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Nga sẽ nhận 8 tàu lớp Borei từ đây đến năm 2020.
Bên cạnh SSBN, Nga cũng đang gấp rút hoàn thiện lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công đa nhiệm mang tên Yasen. Chiếc đầu tiên là Severodvinsk đang được cho chạy thử và trang Globalsecutiry.org dẫn một số nguồn tin cho hay chi phí đóng tàu lên tới 2 tỉ USD. Vì thế, không lạ khi Yasen là lớp tàu ngầm hạt nhân không mang tên lửa đạn đạo hiện đại nhất, ít gây tiếng ồn nhất của Nga hiện nay. Tàu được trang bị các tên lửa hành trình Yakhont, M54 Kalibr cùng các loại ngư lôi và thủy lôi.
Tàu ngầm hạt nhân Anh, Pháp tông nhau Theo website Royal-navy.mod.uk, Anh đang sở hữu 4 chiếc SSBN lớp Vanguard với vũ khí gồm 16 ống phóng tên lửa đạn đạo Trident II, tầm bắn 12.000 km (mỗi tên lửa có thể mang 12 đầu đạn hạt nhân) cùng 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân chủ lực của Pháp là lớp Triomphant được trang bị 16 tên lửa M51, mỗi quả mang từ 6-10 đầu đạn hạt nhân, ngư lôi 533 mm và tên lửa chống ngầm. Hồi tháng 2.2009, một tai nạn hy hữu xảy ra khi 1 chiếc Vanguard và 1 tàu Triomphant tông phải nhau khi hoạt động tại vịnh Biscay, ngoài khơi Pháp. Theo tờ The Daily Mail, tàu Vanguard va trúng phần mũi tàu Triomphant ở độ sâu 300 m, làm vỡ bộ phận sonar và gây thiệt hại 50 triệu bảng cho tàu Pháp. Bản thân tàu Anh bị trầy xước nghiêm trọng và phải được kéo về căn cứ Faslane ở Scotland. Rất may là không ai bị thương và giới chức 2 bên khẳng định kho vũ khí hạt nhân vẫn an toàn. Khi đó, một chuyên gia cho rằng nguyên nhân tai nạn có thể là hệ thống tàng hình của 2 tàu “quá hiệu quả đến mức không kịp phát hiện ra nhau”. |
Trọng Kha
>> Vụ nổ tàu ngầm Ấn Độ là do lỗi con người ?
>> Ấn Độ có thể thuê tàu ngầm Nga
>> Ấn Độ vớt 3 thi thể trong vụ nổ tàu ngầm
>> Phát hiện 3 thi thể bị thiêu cháy trong tàu ngầm Ấn Độ
>> Tàu ngầm Kilo giữa Việt Nam và Ấn Độ khác nhau như thế nào ?
>> Trung Quốc dùng tàu ngầm mini chống tàu sân bay ‘khủng’ của Nhật
Bình luận (0)