Cùng tham gia thực hiện loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma”, tôi nhận ra rằng, chỉ cần một chứng minh nhân dân cùng vài thông tin cơ bản, ai cũng có thể trở thành “giám đốc” công ty sau vài ngày làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp (DN) trực tuyến.
Sự thông thoáng của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm giúp DN sớm đi vào hoạt động, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp cho nhà nước nhưng cũng để lại những hệ lụy khó lường, bởi ngoài những người làm ăn chân chính thì luôn có những kẻ xấu lợi dụng, phá hoại.
Không hiếm trường hợp chủ nhà tá hỏa khi biết nhà mình là địa chỉ của một công ty “ma”, hay giám đốc DN lừa đảo lại là người chạy xe ôm, thậm chí là người đang ngồi tù. Việc cơ quan cấp phép không cần xác minh nhân thân, địa chỉ, vốn điều lệ,… của người đăng ký, mà chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, đang là lỗ hổng chết người, nhất là trong bối cảnh các loại giấy tờ tùy thân được rao bán công khai từ tiệm cầm đồ cho đến chợ trời và trên mạng xã hội…
Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Luật DN cũng thoáng hơn về điều kiện thành lập DN và thay đổi tư duy quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Chỉ thị 20/2017 của Thủ tướng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm đã giúp cho DN dễ thở hơn trước áp lực tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, nếu không có biện pháp hữu hiệu kiểm soát DN sau thành lập thì những nỗ lực nói trên có thể sẽ đổ sông, đổ biển. Một DN mới thành lập sẽ không bị kiểm tra ngay về tính pháp lý mà phải chờ kế hoạch kiểm tra, thanh tra được phê duyệt từ cuối năm trước, trừ các cuộc kiểm tra đột xuất khi có phản ánh về các dấu hiệu vi phạm.
Chưa hết, ngay cả khi đơn vị hậu kiểm phát hiện công ty “ma” thì quy trình xử lý cũng kéo dài nhiều tháng trời, và trong khoảng thời gian đó không biết công ty đó đã gây ra biết bao nhiêu hậu quả… Một cán bộ có trách nhiệm khi trao đổi với PV Thanh Niên đã cảm thán rằng: “Giá như thủ tục thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh được làm nhanh gọn như thủ tục cấp phép thì công ty “ma” đâu còn đất sống”.
Mục tiêu cả nước có 1 triệu DN là quan trọng, nhưng nếu không có giải pháp đồng bộ xử lý công ty “ma” thì khó có thể tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng.
Bình luận (0)