Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết các đợt đo lường trong năm 2017 cho thấy lỗ hổng trong tầng ozone ở Nam Cực có kích thước nhỏ nhất từ năm 1988. Kích thước vào ngày 11.9 của lỗ hổng này là 18,78 triệu km2, theo đài NHK ngày 5.12.
Các nhà khoa học cho rằng chất Chlorofluorocarbons (CFC) và những loại khí thải từ hoạt động sản xuất của con người là hung thủ làm thủng tầng ozone, lớp màng bảo vệ trái đất khỏi những tia cực tím từ bên ngoài.
Cơ quan khí tượng của Nhật nhận định có thể nhiệt độ ở tầng bình lưu ấm hơn bình thường đã ngăn cản việc xuất hiện những hóa chất gây hại cho tầng ozone, dẫn đến kích thước của lỗ hổng bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, giới khoa học cũng lưu ý rằng lỗ hổng này vẫn lớn gấp 1,4 lần kích thước của châu Nam Cực và hàm lượng các chất gây hại cho tầng ozone trên toàn cầu vẫn còn ở mức cao. Giới khoa học gia của cơ quan khí tượng Nhật nhấn mạnh cần duy trì những nỗ lực gìn giữ tầng ozone vì phải mất hàng chục năm để lỗ hổng trên đó đóng lại hoàn toàn.
Bình luận (0)