Lỗ hổng trong kiểm soát thực phẩm

04/10/2017 07:30 GMT+7

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần bị phát hiện trước khi giết mổ, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

Thanh Niên phỏng vấn PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, về vấn đề này.
Lỗ hổng là ở con người
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan Ảnh: Duy Tính
Từ vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần, theo bà, lỗ hổng chính nằm ở đâu?
Lỗ hổng là do con người. Ở đây là đội ngũ cán bộ thú y, cả về ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn, chưa kể khả năng có tiêu cực, tiếp tay với doanh nghiệp hay không. Vụ việc bị phát hiện ở một cơ sở lớn, tập trung giết mổ 5.000 con heo mỗi đêm với 17 cán bộ thú y thường trực mà còn bị qua mặt, thì tôi rất lo ngại, bởi thực tế có những lò giết mổ nhỏ lẻ, ít cán bộ thú y giám sát hơn thì sao? TP.HCM đã có chính sách quy hoạch lò giết mổ tập trung hiện đại, nhưng tiến hành quá chậm. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy hoạch lò mổ, cần thay đổi cách làm, cách nghĩ của đội ngũ cán bộ thú y. Ngoài ra, còn có sự lộng hành của thương lái... Chỉ cần một khâu vi phạm coi như toàn bộ đều thất bại.
Trách nhiệm của cơ quan thú y trong vụ việc này như thế nào?
Như tôi đã nói, trách nhiệm của cơ quan thú y trong vụ này là rất nặng nề. Hiện nay dư luận, kể cả tôi cũng lo ngại, liệu có phải đây là lần đầu vi phạm và bao nhiêu con heo như vậy đã lọt ra thị trường từ lò mổ này và những lò mổ nhỏ lẻ khác? Một vấn đề nữa, heo có đeo vòng truy xuất cũng nằm trong số bị tiêm thuốc an thần. Chúng ta phải nghiêm túc đánh giá những lỗ hổng trong quy trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo còn mang tính hình thức và bị thương lái lợi dụng. Phải chấn chỉnh lại ngay, xử lý trách nhiệm ra sao.
Vì sao bà quyết liệt đấu tranh phải tiêu hủy số heo bị tiêm thuốc an thần?
Vì tôi đánh giá số heo này không bảo đảm an toàn, với tồn dư thuốc an thần và biểu hiện bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ. Việc xét nghiệm nước tiểu âm tính là chưa đủ, vì còn nguy cơ tồn dư thuốc trong thịt.
Loại thuốc an thần được thương lái tiêm vào heo trước khi giết mổ Ảnh: Công Nguyên
Quản từ gốc đến ngọn
Với vai trò là đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho 12 triệu dân ở TP.HCM, theo bà, việc quản lý chỉ mới phần “ngọn” tức từ chợ đến bàn ăn, liệu rằng phần “gốc” từ nuôi trồng đến giết mổ cũng sẽ an toàn và người dân an tâm?
ATTP phải bảo đảm từ gốc đến ngọn. Tuy nhiên, do phân cấp quản lý, phần nuôi trồng và giết mổ vẫn do ngành nông nghiệp quản lý. Thực tế thì phần gốc mang tính chất quyết định hơn. Do đó cần một sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, trước khi tiến tới một sự phân cấp hiệu quả hơn.
Được biết, theo đề án thí điểm thành lập Ban ATTP TP.HCM, việc giết mổ được giao Ban ATTP quản lý nhưng trong quyết định thành lập giao chức năng, nhiệm vụ cho Ban ATTP thì không có phần này. Vậy có nên giao luôn quản lý phần giết mổ cho Ban ATTP để đảm bảo rằng 100% thực phẩm giết mổ được kiểm soát?
Việc phân công trong đề án và quy chế là có sự bàn bạc và thống nhất giữa các cơ quan và chỉ đạo của UBND TP.HCM, cùng biên chế con người và phương tiện. Ban ATTP là mô hình thí điểm nên vẫn có thể có các điều chỉnh tùy tình hình, nhất là khi thực tế đòi hỏi thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ và xuyên suốt. Theo tôi, có lẽ cũng cần điều chỉnh lại để tránh tâm lý tắc trách của thú y kiểm soát giết mổ khi không còn trách nhiệm ở những khâu kế tiếp.
Bà nhận định ra sao về những kẽ hở nguồn thực phẩm đầu vào? Sắp tới Ban ATTP sẽ hành động gì để kiểm soát đầu vào nguồn thực phẩm?
Tôi đánh giá nguồn thực phẩm đầu vào vẫn còn rất nhiều nguy cơ và khó khăn để bảo đảm ATTP, nhất là từ nguồn nuôi trồng đối với nông sản tươi sống. Vấn đề lớn nhất là ý thức và năng lực của đội ngũ cán bộ và phải có cơ chế kiểm soát.
Bên cạnh đó, phải kiểm soát các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất cấm. Việc bảo đảm ATTP sẽ dễ dàng hơn nếu có sự phát triển đồng bộ trong mô hình nuôi trồng, giết mổ, phân phối nhưng điều này đòi hỏi cần có thời gian. Với các trường hợp vi phạm, phải xử lý đích đáng để làm gương. Nói chung, ai cũng phải làm đúng bổn phận trách nhiệm thì chí ít sẽ hạn chế được những nguy cơ mất ATTP như vụ việc vừa qua. Ban ATTP sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tại các chợ đầu mối, tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, phối hợp các địa phương kiểm soát khâu nuôi trồng nguồn thực phẩm cho TP.HCM. Chúng tôi đang xem xét khả năng kiểm soát luôn hoạt động giết mổ nếu được phân công.
“Đó là tội ác”
Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM diễn ra hôm qua 3.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, TP.HCM là địa phương đầu tiên có Ban Quản lý ATTP mà thời gian qua để heo bị tiêm thuốc an thần là vấn đề đáng suy nghĩ. Ông Nhân yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT lý giải tại sao lại xảy ra tình trạng bê bối này và phải xử lý nghiêm trách nhiệm những người liên quan.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho hay tính đến sáng 3.10, cơ quan chức năng đã xử lý tiêu hủy 1.995 con trong tổng số 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần. Sở NN-PTNT cũng xử lý 2 - 3 trường hợp thương lái lôi kéo gần 40 người chăn nuôi heo không chấp hành việc tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần và đề nghị công an giữ an ninh trật tự. Ông Trung cam kết Sở NN-PTNT vẫn đang tập trung xử lý, dứt khoát không để con heo nào bị tiêm thuốc an thần lọt ra thị trường. Sở NN-PTNT cũng phối hợp với bãi rác Đông Thạnh, Sở TN-MT trong việc xử lý, tiêu hủy heo.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, tôi chỉ đạo bộ phận liên quan của Sở làm việc với cảnh sát môi trường. Trước mắt, chỉ đạo Chi cục Thú y đình chỉ ngay công việc của tổ trưởng, hai tổ phó, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Chi cục Thú y, lãnh đạo thú y trạm Củ Chi và 17 nhân viên thú y có trách nhiệm liên quan làm bản kiểm điểm, giải trình. Đây chính là tội ác và tôi không chấp nhận có trường hợp nào của Sở tiếp tay, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ cho thôi việc”, ông Trung nói.
Trung Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.