Ngày 2.5, nhiều du khách đã rời TP.Đà Lạt sớm và phần lớn trong số họ cho rằng do lo sợ kẹt xe. Bắt đầu từ 15 giờ ngày 2.5, QL20, đặc biệt là đoạn qua trung tâm TP.Bảo Lộc và đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) ùn ứ nghiêm trọng; hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút kéo dài suốt 10 km đường đèo.
|
Trong khi đó, tại QL51, từ đầu giờ chiều 2.5, lượng xe từ Bà Rịa-Vũng Tàu đổ về hướng Đồng Nai rất đông gây nên tình trạng ùn tắc ở Trạm thu phí T2 (H.Long Thành), khiến chủ đầu tư BOT phải xả trạm trong 1 giờ 30 phút. Tuy nhiên, khi đến nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lượng ô tô tiếp tục ùn tắc do lực lượng CSGT hạn chế phương tiện lên cao tốc, mà điều tiết đi thẳng về hướng TP.Biên Hòa để ra QL1, về TP.HCM. Lúc này, lượng phương tiện dồn về hướng TP.Biên Hòa càng đông khiến tình trạng kẹt xe tái diễn tại Trạm thu phí T1 (TP.Biên Hòa), buộc chủ đầu tư phải xả trạm.
Chủ động phân luồng từ xa
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 2.5, đại diện Cục CSGT (C08) cho biết để đón người dân trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, từ 13 giờ 30 ngày 2.5 C08 đã triển khai các tổ công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm như QL1, các tuyến cao tốc dẫn vào Hà Nội và TP.HCM nhằm phòng chống ùn tắc.
|
Tại Hà Nội, từ chiều 2.5 C08 chủ động phối hợp CSGT, công an các đơn vị phụ trách địa bàn giáp ranh là Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình để nắm bắt lưu lượng phương tiện và lên phương án điều tiết. Trong đó, riêng Đội 3 (C08) trong ngày 2.5 đã bố trí 8 chốt trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình tại các điểm ra vào, và 2 tổ tuần lưu bằng mô tô giải quyết các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra. C08 cũng cho biết đã chủ động phối hợp với trạm thu phí trên tuyến đề ra phương án xả trạm theo quy định, nếu xảy ra ùn tắc kéo dài tại các khu vực trạm thu phí.
Tại khu vực phía nam, trong chiều 2.5, Cục CSGT đã có cuộc họp với lực lượng CSGT Đồng Nai, CSGT TP.HCM và đại diện Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) lên phương án xả trạm trên QL51 và các điểm trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong tình huống ùn tắc kéo dài.
Xử nghiêm các đơn vị thu phí không xả trạm khi có ùn tắc
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 2.5, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (C08), cho biết liên quan đến tình hình ùn tắc trên diện rộng trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, ngoài các nguyên nhân khách quan do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng đột biến, hạn chế trong quy hoạch giao thông… còn có nguyên nhân các đơn vị quản lý cao tốc chậm trễ trong việc xả trạm. “Chúng tôi chỉ nêu một trường hợp điển hình là vụ ùn tắc ở trạm Long Phước thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 30.4 là thấy rõ. Từ 6 giờ sáng, thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an, lực lượng CSGT đã phát hiện tình trạng ùn ứ, đến 8 giờ sáng thì tình trạng ùn tắc đã kéo dài từ Km số 3 đến Km số 11, tức là dài 8 cây số. Lực lượng CSGT đã 3 lần yêu cầu xả trạm nhưng đơn vị quản lý đường cao tốc (VEC E) không hợp tác. Đến khi chúng tôi lập biên bản thì họ còn cãi là không có quy trình xả trạm, dù trước đó cả Bộ trưởng Bộ GTVT và Thủ tướng đã chỉ đạo ùn tắc trên 700 m là phải xả trạm”, đại tá Nguyễn Quang Nhật nói, và cho rằng việc ùn tắc trong dịp lễ có trách nhiệm rất lớn của ngành GTVT.
Mạng lưới cao tốc phía nam sẽ tăng thêm 1.000 kmHiện khu vực phía nam từ TP.HCM đi các tỉnh phía đông và khu vực ĐBSCL chỉ mới có các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (55 km), TP.HCM - Trung Lương (40 km) và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là lý do các tuyến cửa ngõ này thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt cứng vào giờ cao điểm, đặc biệt là các ngày lễ, tết.
Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ của Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc cả nước đến năm 2030 đang được Bộ GTVT xây dựng, giai đoạn 2021 - 2030, khu vực phía nam, bao gồm ĐBSCL sẽ có thêm gần 1.000 km đường cao tốc (giai đoạn 2021 - 2025 là 670 km và 300 km từ 2026 - 2030). Riêng ĐBSCL sẽ có các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Mai Hà
|
Đại diện C08 cũng cho biết từ trước đến nay, việc các trạm thu phí không xả trạm khi ùn tắc diễn ra khá phổ biến và thường chỉ bị lực lượng CSGT đốc thúc, nhắc nhở. Vụ việc lập biên bản đối với VEC E tại trạm Long Phước là lần đầu tiên, lực lượng CSGT lập biên bản về hành vi xử lý vận hành trạm thu phí không đúng quy định, căn cứ theo Nghị định 100, và đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các trạm BOT khác nếu tiếp tục chây ì, không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), tình trạng ùn ứ chiều 29.4 và sáng 30.4 tại các tuyến cao tốc trên cả nước, đặc biệt là các tuyến cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM, do lưu lượng phương tiện năm nay vượt so với năm ngoái khoảng 15%. Nguyên nhân ùn tắc ngoài lưu lượng tăng cao, còn do chưa nhiều người dân sử dụng thu phí không dừng.
Về việc có xả trạm khi ùn tắc hay không, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết nếu chỉ ùn ứ phương tiện vẫn di chuyển bình thường thì không phải xả trạm, chỉ khi tắc không lưu thông được mới phải xả trạm. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ đạo nhà đầu tư phải xả trạm nếu xảy ra ùn tắc kéo dài quá quy định.
Nhích từng chút qua cầu Rạch Miễu về TP.HCMNgày 2.5, hàng ngàn ô tô, xe máy rồng rắn nối đuôi nhau, ùn ứ cục bộ qua cầu Rạch Miễu để về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. CSGT Tiền Giang nhiều lần cắt phương tiện hướng Tiền Giang lên cầu Rạch Miễu để “biến” thành một chiều, ưu tiên hướng Bến Tre sang Tiền Giang theo QL60. Nhờ vậy mà dòng xe tuy rất đông nhưng vẫn lưu thông chậm qua cầu Rạch Miễu.
Theo dự kiến của CSGT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, hôm nay (3.5) vẫn tiếp tục đối mặt nguy cơ ùn tắc phương tiện khu vực cầu Rạch Miễu.
Lê Lang
|
Bình luận (0)