(TNO) Chỉ một vài sơ suất, dù là rất nhỏ, của người nhà trong quá trình chăm sóc cũng có thể vô tình dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.
|
Tử vong do kẹt đầu vào lan can
Cách đây khoảng một tuần, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận một bé gái (4 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) trong tình trạng hôn mê sâu, không còn phản xạ, do bị kẹt đầu vào giữa lan can.
Theo lời người nhà, bố mẹ bé đi làm nên bé ở nhà chơi với dì ruột. Lúc dì đi phơi quần áo ở lầu 4 thì bé leo qua ban công lầu 1 và đã bị kẹt cổ ở song sắt của ban công.
Tại Bệnh viện Q.12, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Sau khi cấp cứu, nhịp tim đập trở lại, bé được chuyển lên BV Nhi đồng 1. Các bác sĩ xác định bé bị gãy đốt sống cổ. Vì sốc và thiếu oxy lên não nên sau đó bé đã tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, cho biết khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp bé bị tai nạn khi người thân trong một giây bất cẩn không để ý đến trẻ.
Thấy một chai nước ngọt để trên bàn, bé L. (nam, 20 tháng tuổi) tưởng là nước nên lấy uống. Ngay lập tức bé bị ho sặc sụa, tím tái. Khi đưa đến cấp cứu ở BV Nhi đồng 1, bà ngoại của bé cho biết chai nước ngọt thực ra chỉ là vỏ chai, dùng đựng xăng thơm để tẩy các vết sơn trên quần áo, bà chưa kịp để lên chỗ cao.
|
Một trường hợp khác, khi cha mẹ đang xem ti vi thì bé gái (18 tháng tuổi) và chị (3 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM) đang chơi ngoài sân. Bỗng bé lớn kêu: “Mẹ ơi, em bé bơi!”, cha mẹ bé mới tá hỏa chạy ra thì thấy bé đang nằm trong vũng nước của hòn non bộ đặt ở một góc sân.
Khi được bế ra, bé đã tím tái, may mắn bé vẫn còn thở được. Khi chuyển lên BV Nhi đồng 1, tình trạng bé lơ mơ, tím tái, thở co kéo, bứt rứt... Sau gần một tuần điều trị hỗ trợ hô hấp, chống co giật, chống phù não, bé mới dần tỉnh táo.
Ngoài ra, bác sĩ Minh Tiến cũng cho biết, khoa thường tiếp nhận các trường hợp trẻ bị té ao, té trong xô nước nhà tắm... do phụ huynh bận làm việc, quên để ý... Những tai nạn ở trẻ do người nhà lơ là hay gặp ở BV Nhi đồng 1 còn có phỏng và điện giật.
Tạo môi trường an toàn cho trẻ
Theo bác sĩ Minh Tiến, có khi chỉ trong tích tắc bỏ quên trẻ là trẻ đã có nguy cơ gặp tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, trẻ nhỏ còn có tâm lý khám phá thế giới xung quanh nên rất hiếu động. Vì vậy, phụ huynh cần coi sóc trẻ kỹ càng, tránh lơ là gây những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh cần tạo môi trường an toàn cho trẻ. Đó là, lắp các ổ điện trên cao để trẻ không với tới, nếu lắp ở dưới phải có nắp đậy, che chắn kỹ càng. Thức ăn hoặc vật nóng phải để ở những chỗ an toàn và không cho trẻ tới gần.
“Chai lọ nước uống không để hóa chất vào, phải dán nhãn và để trong tủ có khóa, nhà cửa phải rào chắn và không cho trẻ chơi gần khu vực này”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Cần có cách xử trí đúng khi trẻ gặp tai nạn. Theo các bác sĩ, trẻ bị phỏng thì lấy nước lạnh xối lên vết phỏng nhiều lần rồi nhanh chóng đưa đến BV. Trong trường hợp trẻ bị điện giật phải nhanh chóng cắt cầu dao rồi mang trẻ ra chỗ an toàn, hô hấp nhân tạo nếu trẻ ngưng thở và nhanh chóng đưa đến BV. Đối với trẻ uống nhầm hóa chất thì đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.
“Ngoài ra các hố ga phải để bảng cấm, trụ điện phải được kiểm tra có bị rò rỉ điện hay không, trẻ cần biết bơi, đi bơi phải có người giám sát”, bác sĩ Tiến nói.
Bài, ảnh: Hà Minh
>> Mùa hè cẩn trọng tai nạn trẻ em
>> Báo động tai nạn trẻ em
>> Khi trẻ bị phỏng
>> Hai trẻ bị phỏng nặng do người lớn vô ý
>> Trẻ bị hóc dị vật
>> Làm gì khi trẻ bị điện giật?
Bình luận (0)