Sáng 10.1, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án luật sửa đổi, bổ sung 8 luật, gồm: luật Đầu tư công, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật Đầu tư, luật Đấu thầu, luật Điện lực, luật Doanh nghiệp, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Thi hành án dân sự.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận tại Quốc hội |
gia hân |
Trong nội dung sửa đổi luật Điện lực, dự thảo luật quy định, nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định, nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng việc cho phép khối tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, theo bà Mai, việc thể chế hóa thế nào cho đúng, cho phù hợp thực tế lại là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, quy định của dự thảo là chưa rõ về nội dung, chưa quy định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.
Từ đó, bà Mai đề nghị cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các loại hình kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào do nhà nước quy hoạch và chuyển giao EVN thực hiện.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư; cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư.
Theo bà Mai, luật quy định sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, điều này dẫn đến trong cùng một hệ thống sẽ có chủ thể vận hành khác nhau.
"Tham khảo các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện chuyển tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng để tránh hệ lụy nghiêm trọng về sau này", bà Mai nêu.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, nếu tư nhân hóa thì có thể dẫn đến giá điện có lúc rất cao như kinh nghiệm một số nước. "Tôi nghĩ rằng cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh tác động đến người tiêu dùng", bà Mai nêu.
Ngoài ra, theo bà Mai, dự thảo luật quy định sau khi xây dựng, đầu tư, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho nhà nước quản lý vận hành, tuy nhiên về cơ chế, phương pháp định giá lại chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật.
"Hệ thống lưới điện chuyển tải là một trong những loại tài sản mà trên thực tế thời gian qua đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác dẫn đến thiệt hại rất lớn cho nhà nước nên cần quy định cụ thể để có căn cứ thực hiện", bà Mai nhấn mạnh.
Quốc hội dành cả sáng 10.1 để thảo luận dự án một luật sửa 8 luật |
gia hân |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, nếu các vấn đề chưa đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ thì có thể tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội ở kỳ họp sau.
Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng cho rằng việc cho phép tư nhân tham gia vào truyền tải điện cần có sự tính toán thận trọng và chắc chắn.
Đại biểu Khánh phân tích, theo dự thảo luật quy định "nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước xây dựng" là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của nhà nước trong việc kiểm soát và đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi tình huống.
"Tôi đề nghị quy định này chỉnh lại theo hướng nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng", ông Khánh nêu.
Bình luận (0)