Như Thanh Niên thông tin, liên bộ Công thương - Tài chính hôm 10.11 cho phép doanh nghiệp (DN) đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, lần thứ 5 trong năm. Theo đó, DN giữ nguyên giá dầu diesel 0.05S (không cao hơn 18.716 đồng/lít) và dầu hỏa (không cao hơn 17.637 đồng/lít), giảm giá bán dầu mazút 389 đồng/kg (giá hiện nay không cao hơn 16.821 đồng/kg); xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, bán ra không cao hơn 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, bán ra không cao hơn 24.996 đồng/lít.
Cơ quan quản lý trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu hỏa ở mức 150 đồng/lít, dầu mazút ở mức 500 đồng/kg và không trích lập quỹ đối với xăng, dầu diesel. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 8 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 44 đồng/lít. Riêng dầu mazút không chi.
Giá xăng tăng, đứng ở mức kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây |
Khả Hòa |
Khó khăn chồng khó khăn
Với lần tăng liên tiếp này, giá xăng đứng ở mức kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây. Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ lo ngại sự tăng giá của mặt hàng chiến lược này sẽ tác động mạnh đến đời sống người dân cũng như hoạt động của DN. “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên khi giá tăng cao sẽ dẫn đến mọi mặt hàng tăng theo, trong đó không loại trừ cả những mặt hàng “té nước theo mưa”. Người dân, DN đã rất khốn khó sau dịch, giờ sẽ càng khó khăn hơn khi giá cả leo thang. Việc này sẽ gây khó khăn cho hồi phục kinh tế, đẩy lạm phát lên cao”, BĐ B.Q lo lắng.
Tương tự, BĐ Thành Nguyễn cho rằng giá xăng dầu lên sẽ kéo theo tất cả các mặt hàng tăng theo, gây khó khăn cho đời sống xã hội, dễ dẫn đến lạm phát tăng cao. “Nghe giá xăng tăng lại thêm buồn, nỗi lo thêm chồng chất. Thu nhập thì giảm, trong khi gần như mọi thứ đều sẽ tăng theo giá xăng tăng. Người dân vốn đã khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, giờ sẽ càng thêm khó khăn”, BĐ này ý kiến.
“Sau đại dịch Covid-19, nhiều người phải chạy ăn từng bữa, giờ giá xăng dầu tăng thì “trăm dâu lại đổ đầu tằm”, khó càng thêm khó. Giá điện, xăng dầu là những mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân cũng như hoạt động sản xuất của DN, nhà nước phải can thiệp để giữ ổn định các mặt hàng này”, BĐ Thiên Anh đề nghị.
Cần giải pháp bình ổn giá
Nhiều ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng cao là cú giáng bồi vào các hoạt động kinh tế đang nỗ lực hồi phục sau một thời gian dài đứt gãy do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. “Nhiều DN đang cố gắng phục hồi lại sản xuất trong điều kiện còn rất khó khăn sau nhiều tháng dừng hoặc hoạt động cầm chừng do dịch và giãn cách xã hội. Giờ thêm cú tăng giá xăng như thế này thì chắc chắn lại lao đao”, BĐ Công Hoan viết. Cùng nỗi lo, BĐ Thanh Lâm phân tích: “Để hỗ trợ DN sau dịch, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó hy vọng kinh tế nhanh chóng phục hồi và trở lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, việc giá xăng, dầu liên tục nhảy múa như thế này sẽ là áp lực lớn DN, ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch phục hồi kinh tế”.
Dịch bệnh làm cho kinh tế lao đao, người dân khốn khổ, nay giá xăng dầu lại tăng liên tiếp sẽ khiến kinh tế càng phục hồi chậm.
Lĩnh Nam
Giá xăng dầu tăng kéo theo cước vận tải tăng, chi phí sản xuất tăng đẩy giá hàng hóa tăng..., cuối cùng người tiêu dùng lãnh đủ.
Hữu Phúc
Cần tính toán lại thuế, phí, xem xét quỹ bình ổn để kéo giảm giá xăng dầu, chứ cứ tăng thế này thì mục tiêu nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ khó mà đạt được.
Đặng Nguyễn
Theo BĐ Nhất Huy, giá xăng dầu trong nước đang cõng quá nhiều loại thuế phí. Trong bối cảnh hiện nay, nhà nước cần can thiệp gấp để ổn định giá mặt hàng thiết yếu này, phục vụ cho phục hồi kinh tế. “Thiết nghĩ đây cũng là sự chia sẻ của nhà nước với người dân, DN trong giai đoạn khó khăn này”, BĐ Nhất Huy đề nghị. Tương tự, BĐ Ngọc Chánh mong mỏi: “Ngoài các chính sách hỗ trợ đã ban hành để hồi phục kinh tế, Chính phủ cũng cần can thiệp giữ ổn định giá mặt hàng xăng dầu”.
Bình luận (0)