Lo lắng 'khoảng lùi' phòng cháy

19/06/2015 03:39 GMT+7

Quy định đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà liên kế hoặc đơn lẻ từ 2 - 2,5 m làm người dân và cả những người làm công tác cấp phép xây dựng đều lo lắng.

Quy định đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà liên kế hoặc đơn lẻ từ 2 - 2,5 m làm người dân và cả những người làm công tác cấp phép xây dựng đều lo lắng.

Cần có những quy hoạch để việc phòng chống cháy nổ dễ dàng hơn -  Ảnh: Đình Sơn
Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), đảm bảo hệ thống thoát hiểm khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Theo đó, khi cấp giấy phép xây dựng các quận, huyện phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà liên kế hoặc đơn lẻ từ 2 - 2,5 m.
Rút lại hồ sơ chờ thay đổi
Khó khả thi
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Xây dựng nhìn nhận, quy định này có trong các quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, thời gian qua sở cũng đã nhận được nhiều góp ý rằng thực trạng đô thị TP.HCM tồn tại nhiều khu vực với nhà ở riêng lẻ có hình dạng, kích thước lô đất phức tạp, không tương đồng nhau nên việc áp dụng kích thước khoảng cách giữa các dãy nhà theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng là khó khả thi. Do đó, sở giao về cho các quận, huyện nghiên cứu theo thực tiễn tại các khu dân cư và căn cứ vào quy hoạch 1/2.000, quy chế quản lý đô thị để cấp phép cụ thể.
Ông Ninh, một người dân ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), khi nộp hồ sơ lên quận xin phép xây mới căn nhà đã bị trả về vì phần sau nhà không trừ khoảng lùi 2 m. Ông Ninh cho rằng nhà ông sẽ bị cắt gần một nửa bởi đã trừ lộ giới phía trước theo quy định là 4 m, nếu trừ thêm 2 m nữa căn nhà của ông chỉ còn lại 8 m.
Theo ông Ninh, nếu lấy lý do để PCCC, đảm bảo hệ thống thoát hiểm khi xây dựng sửa chữa nhà cửa để bắt người dân trừ lùi hơn 2 m cũng không hợp lý. Bởi đa số các căn nhà thuộc khu dân cư hiện hữu do người dân tự tách thửa xin phép xây nên kích thước, diện tích, chiều sâu không giống nhau nhưng có một điểm chung là đều có diện tích nhỏ. Vì vậy để lối thoát hiểm không có tác dụng và đúng nghĩa nó chỉ là giếng trời của từng căn nhà. Đó là chưa kể, để đảm bảo an ninh người dân cũng làm khung sắt bảo vệ lối thoát hiểm này, bít hết không có lối ra vào thì làm sao phục vụ chữa cháy được.
“Trước đây một số dự án phân lô xây nhà phố có để lối thoát hiểm thông hành phía sau (lối đi chung). Thực tế lối thoát hiểm đó người dân rất sợ vì là nơi tập trung của tệ nạn như ma túy, mại dâm, đổ rác, chuột bọ và trộm cắp nên người dân tìm cách bít kín lại. Hiện tại rất nhiều nhà đất của người dân có chiều dài dưới 10 m, nếu phải chừa 2 - 2,5 m sẽ rất khó xây dựng”, ông Ninh phân tích.
Tại Q.Thủ Đức, chị Hà khi đi xin phép xây dựng khu đất gần 100 m2 cũng đã rút lại hồ sơ để chờ TP thay đổi. “Tôi lên quận xin phép xây dựng căn nhà thì bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu nhà tôi phải cắt 2,5 m đất phía sau làm lối thoát hiểm, PCCC. Tôi đã rút lại hồ sơ, chờ xem TP có sự điều chỉnh gì không sẽ tính tiếp chứ nếu thực hiện theo quy định này sẽ quá thiệt thòi cho người dân”, chị Hà nói. Tương tự, nhiều người dân có ý định xây, sửa nhà đều ngưng lại để chờ quyết định mới của TP trong việc này.
Phải được chấp thuận của PCCC
Trưởng phòng quản lý đô thị một huyện cho hay thời gian qua người dân khi đi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng đã phản ứng rất mạnh quy định này bởi nó không phù hợp thực tế, nhất là ở các khu dân cư hiện hữu khi những căn nhà dài, ngắn không đồng đều nhau, rất khó có thể áp dụng quy định của Sở Xây dựng.
Theo một chuyên gia về quy hoạch đô thị, để một đô thị hiện đại, văn minh và an toàn cần phải có những quy định như vậy. Thực tế quy định này đã được thể hiện rõ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và đã được áp dụng tại các khu đô thị mới, các dự án bất động sản được duyệt quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, nếu đem quy định này áp chung cho cả các khu dân cư hiện hữu thì có vẻ không phù hợp, thậm chí làm khó người dân và ngay cả với những người làm công tác quản lý đô thị, cấp phép.
Vì những lý do trên, vị chuyên gia kiến nghị chỉ nên khuyến khích người dân thiết kế nhà có sân sau (đối với diện tích lớn) hoặc có một phần làm giếng trời từ dưới lên trên là được. Còn để hạn chế nguy cơ cháy nổ chính quyền nên quản lý về chấp hành an toàn, kiểm tra cháy nổ như nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để hàng hóa...
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, có một thực tế là tại các khu dân cư hiện nay khi xảy ra cháy nổ, xe cứu hỏa thường không thể tiếp cận hiện trường do đường quá nhỏ, khiến việc cứu hỏa, cứu nạn bị chậm trễ. Chính vì vậy, việc quy hoạch, cấp phép xây dựng đảm bảo cháy nổ là cần thiết. KTS Nam Sơn đề xuất tất cả các nhà lớn, nhỏ khi đi xin phép xây dựng đều phải có ý kiến chấp thuận của cảnh sát PCCC mới cho xây dựng. “Khi không cho xây dựng sẽ giúp hạn chế tăng dân số, mật độ xây dựng, khi cháy sẽ không nặng, dễ sơ tán, không cháy lan, đảm bảo sinh mạng người dân. Khi giá trị đất giảm xuống người dân khôn ngoan sẽ bán đi chỗ khác an toàn hơn, đời sống tốt hơn mà quan trọng hơn là khi làm đường sẽ dễ dàng do chi phí ít hơn. Lúc này nhà nước phải có kế hoạch nâng cấp đường, hạ tầng cho người dân chứ không thể treo mãi được”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.