Theo phần tự giới thiệu của Hội, đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nghệ sĩ, là đại diện tập thể bảo vệ quyền biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN; nơi đào tạo và giúp đỡ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tôn vinh những tài năng nước nhà trong lao động nghệ thuật biểu diễn âm nhạc thông qua việc tổ chức các giải thưởng hằng năm…
NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA, cho biết Hội không chỉ bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, mà còn mong muốn bảo vệ hình ảnh, uy tín của người nghệ sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng thỏa thuận hợp tác với Hội Nhà báo VN, Hội Luật gia VN, Cục An ninh mạng - Bộ Công an…
Là người tham gia bảo vệ nhiều ca sĩ trong các vụ kiện liên quan đến xâm hại bản quyền, luật sư Lê Quang Vy ủng hộ hoạt động của Hội, bởi ông cho rằng lâu nay có những nghệ sĩ biểu diễn nhưng không biết hết quyền lợi của mình để “đòi”. Cụ thể là các nhạc công, vì với những băng đĩa được người sử dụng cho mục đích kinh doanh, tác quyền sẽ được thu để trả cho nhà sản xuất, người biểu diễn và người biểu diễn ở đây không chỉ có ca sĩ mà cả nhạc công.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm hơn là có thể sẽ nhập nhằng trong việc thu tác quyền giữa 3 hiệp hội đối với cùng một sản phẩm âm nhạc, đó là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN và APPA. Vì thế, NSND Thanh Hoa cho biết, APPA cần có thời gian để làm sao có được sự liên kết giữa 3 hiệp hội, cùng hoạt động mà không chồng chéo lên nhau, không gây khó khăn cho người sử dụng sản phẩm âm nhạc.
Bình luận (0)