Kỳ thi do Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam phối hợp Sở GD-ĐT thực hiện nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh gồm thi trắc nghiệm, viết và nói theo khung trình độ chung châu Âu (CEFR) nhằm mô tả năng lực của người học dựa trên 6 mức trình độ cụ thể: A1: Căn bản (tốt nghiệp cấp I); A2: Sơ cấp (tốt nghiệp cấp II); B1: Trung cấp (tốt nghiệp cấp III và tốt nghiệp đại học không chuyên ngữ - GV tiểu học); B2: Trung cao cấp (tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngữ - GV THCS); C1: Cao cấp (tốt nghiệp đại học chuyên ngữ - GV THPT); C2: Thành thạo.
Nhiều người đi thi với tâm trạng lo lắng, thiếu tự tin vì hầu hết GV cho biết yêu cầu về kiến thức, kỹ năng qua đợt thi khảo sát trước khi bồi dưỡng so với “vốn liếng” thực tế mà GV đang có và giảng dạy là một trời một vực; bồi dưỡng xong gần 1 năm mới thi nên quên khá nhiều. Mặt khác, bồi dưỡng và tự học để nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn châu Âu do đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế là điều hợp lý, thế nhưng, đa số GV tiếng Anh làm gì có cơ hội để tiếp cận với “thế giới” để thực hành các kỹ năng theo chuẩn châu Âu? Bồi dưỡng và đào tạo lại được tổ chức thực hiện một cách vội vã, cập rập tựa như “bắt nước đuổi gà” thế này thì GV phải đi thi theo đề án với tâm trạng nặng nề. Vì hiện tại GV vẫn phải lên lớp hàng ngày dạy theo mục đích kiểm tra và thi cử theo chuẩn “nội địa”, lo giáo án, chấm bài kiểm tra, hội họp và bao thứ sổ sách có tên và không tên khác. Chưa kể đến áp lực do đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn châu Âu sau kỳ thi giữa GV với nhau; chưa đạt thì tương lai sẽ như thế nào? Và sự ái ngại khi phụ huynh, học sinh biết thầy cô mình chưa đạt chuẩn châu Âu!
Đình Tuấn
>> Cambridge English Language Assessment kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông Việt Nam
>> Khảo sát năng lực tiếng Anh học sinh tiểu học Huế
>> Rà soát năng lực tiếng Anh của giáo viên trung cấp
Bình luận (0)