Công an TP.HCM vừa có khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cảnh giác việc lộ lọt thông tin cá nhân để tránh bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong năm 2019 và năm 2020, dữ liệu thông tin cá nhân được mua bán trái phép trên thị trường "chợ đen" gần 1.300 Gigabyte, chứa hàng tỉ thông tin cá nhân người dân, doanh nghiệp trên cả nước. Trong số 30 loại hình lừa đảo công nghệ cao hiện nay thì có 2/3 loại hình tội phạm này sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội.
Chị H. (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết cuối tháng 3.2024, chị nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng là nhân viên ngân hàng V. hỗ trợ nâng cấp thẻ tín dụng của chị từ hạn mức 100 triệu đồng lên 300 triệu đồng. Người này đọc đúng số tài khoản, số thẻ ngân hàng và địa chỉ của chị H. Không nghi ngờ, chị H. bắt đầu làm theo hướng dẫn của người phụ nữ nói trên.
Chị H. truy cập vào link do người này cung cấp. Tới phần khai báo thông tin cá nhân thì chị H. nghi ngờ nên dừng lại và gọi điện lên tổng đài ngân hàng yêu cầu tạm khóa thẻ tín dụng của chị lại. "Tôi không hiểu tại sao dữ liệu tôi đăng ký tại ngân hàng như: số điện thoại, số thẻ, CCCD… mà nhóm lừa đảo lại có được để dẫn dụ, lừa đảo tôi" chị H. thắc mắc.
Theo Công an TP.HCM, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân người dân, doanh nghiệp là cơ hội cho việc lừa đảo công nghệ cao diễn ra tràn lan. Đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Từ dữ liệu cá nhân người dân, doanh nghiệp thì tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện mời chào làm thẻ tín dụng, nâng cấp thẻ tín dụng. Khi người dùng tin tưởng, tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ cung cấp CCCD, truy cập vào đường link do tội phạm cung cấp, làm theo hướng dẫn, cung cấp mã OTP. Người dùng làm theo thì chỉ ít sau, số tiền trong tài khoản "bốc hơi".
Theo Công an TP.HCM, có trường hợp khách hàng vừa liên lạc với ngân hàng hỏi thủ tục vay vốn thì ít phút sau có người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện hỗ trợ. Khi người dùng tin tưởng làm theo và chuyển lệ phí thì dính bẫy lừa đảo. Cũng có trường hợp, khách hàng không đăng ký thẻ tín dụng, không sử dụng dịch vụ ngân hàng đó, nhưng bỗng nhiên nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng đó phát hành.
Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cảnh giác tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là liên quan đến tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không được làm theo hướng dẫn từ người lạ gọi đến; không truy cập vào đường link do người lạ cung cấp qua mail, Zalo, Facebook; không khai báo thông tin cá nhân; không cung cấp mã OTP. Người dân có nhu cầu nâng cấp, điều chỉnh thông tin ngân hàng thì đến các chi nhánh ngân hàng gần nhất để được hướng dẫn, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân dẫn đến bị lừa đảo.
Bình luận (0)