|
Theo phản ánh của dân làng, nạn sa tặc hoành hành ở xã Điện Thọ từ 2012 khiến 2 bờ sông xuất hiện các hàm ếch cuốn trôi đất sản xuất. Người dân lo lắng, bởi làng nằm ven sông Thu Bồn luôn bị xói lở đe dọa, mà minh chứng là lũ đã xóa dấu tích làng Ngọc Trâm, An Tế và Long Hội, thôn Kỳ Long khiến hàng trăm hộ dân phải di dời, diện tích đất sản xuất bị cuốn xuống lòng sông. Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ thừa nhận, làng Bì Nhai còn tồn tại được trước tình trạng sạt lở hằng năm là nhờ bờ kè được đầu tư xây dựng từ năm 2001 bằng nguồn vốn Trung ương.
Quý 1 năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý phương án khơi thông đoạn lạch dài 200 mét để đưa nước sông Thu Bồn về cung ứng cho trạm bơm Bến Hục (xã Điện Thọ) nhằm đảm bảo nước tưới cho 130 ha lúa và hoa màu địa phương. Thời gian nạo vét từ 10.4 đến 15.8, chi phí thi công được hoán đổi bằng cách cho phép đơn vị thi công được tận thu bán 76.000m3 cát lòng sông hút được ở khu vực quy định. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổ trưởng Tổ đoàn kết số 4 (Ban nhân dân thôn Bì Nhai) cho hay, tuy nhiên đội ghe hút cát này không chỉ hút ở khu vực được cấp phép, mà còn lén lút trộm cát ở khu vực lòng sông đoạn bờ kè thôn Bì Nhai, đe dọa độ an toàn của bờ kè. Trước phản ánh trên, ông Nguyễn Đình Hùng phủ nhận chuyện hút cát trái phép, khẳng định 10 ghe hút cát đã hút đúng vị trí cấp phép, còn đơn thư kiến nghị của tập thể nhân dân thì ông Hùng cho rằng “dân nông thôn chỉ cần bữa nhậu thì đưa ra cả chục tờ hay trăm tờ đơn cũng ký”.
Trong khi đó, theo ông Lưu Văn Phương, Trưởng Công an thôn Bì Nhai, do cát ở khu vực nạo vét được phép tận thu pha lẫn nhiều bùn nên đội ghe này không bán được, do đó phải tìm cát sạch bằng cách hút trộm ở đoạn sông dọc bờ kè thôn Bì Nhai, sự việc kéo dài từ tháng 6 đến nay và phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở, họ càng bức xúc hơn khi kiến nghị đến chính quyền xã nhiều lần nhưng sự việc không được xử lý.
Do đó, đỉnh điểm là tháng 8 vừa qua, người dân tự tổ chức bắt quả tang, ngăn chặn 7 ghe hút cát sát bờ kè với khối lượng mỗi ghe khoảng 50m3 đồng thời báo chính quyền xã nhưng không ai đến giải quyết. Hơn 2 tiếng sau, người quản lý đội ghe cho phép đội ghe rút đi thì giữa người quản lý này và ông Nguyễn Quốc Hùng đã xảy ra xô xát, lúc này công an xã mới đến lập biên bản. “Xô xát là do người quản lý đội ghe trộm cát có thái độ ngang ngược, nói thẳng là có chỗ dựa lưng nên mới lộng hành với người dân như vậy, bên công an lập biên bản hỏi giấy tờ thì ông này nói giấy tờ rớt sông không có, rồi gọi điện đơn vị quản lý vào làm việc với xã” - ông Lưu Văn Phương nói.
Ông Phương cũng khẳng định, sự thật ghe hút trộm cát tất cả người dân ở đó đều biết, nhưng địa phương xử lý đến đâu thì nay đã “chìm xuồng”, bởi sau đó, đội ghe hút trộm cát còn lộng hành hơn xuất hiện mười mấy chiếc, ông Phương cùng ông Mai Văn Thanh, phó trưởng Công an xã bơi ghe ra bắt thì bị cấp trên đình chỉ và hỏi “ai chỉ đạo các anh đi bắt”.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)