Lo mất thêm tiền thuế, người dân hối hả làm thủ tục đất đai

Lo mất thêm tiền thuế, người dân hối hả làm thủ tục đất đai

03/10/2024 11:55 GMT+7

Ngay sau khi TP.HCM chốt tính nghĩa vụ tài chính theo bảng giá và hệ số K hiện hành, 'làn sóng' làm thủ tục nhà đất gia tăng, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức luôn chật kín người dân đổ về làm hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức những ngày qua luôn trong tình trạng quá tải, đông nghẹt người dân đến làm thủ tục. Từ băng ghế chờ, đến quầy tiếp nhận, gần như không còn chỗ trống.

Tình trạng này xảy ra sau khi có thông báo từ UBND TP.HCM hôm 21.9 về việc cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá mới.

Cụ thể, UBND TP.HCM chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo luật Đất đai 2013 như đã thực hiện trước ngày 1.8 (là Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM) nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 56/2023 của UBND TP.HCM để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1.8 đến khi có bảng giá đất điều chỉnh. Bảng giá đất điều chỉnh dự kiến ban hành trước ngày 15.10.

Lo mất thêm tiền thuế, người dân hối hả làm thủ tục đất đai- Ảnh 1.

Chật kín người dân từ quầy tiếp nhận đến các băng ghế chờ

Ảnh: VÕ HIẾU

Như vậy, sau gần 2 tháng chờ đợi kể từ hồi đầu tháng 8, lượng lớn hồ sơ nhà đất bị "ách tắc" tại các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM cuối cùng cũng được "khơi thông". Nhiều người dân nóng lòng nộp hồ sơ, phần vì mong mỏi hoàn tất thủ tục bị treo trước đó, phần vì lo lắng tiền thuế sẽ tăng theo bảng giá đất điều chỉnh.

"Tôi có nghe sắp sửa tới đây ngày 15.10 thì sẽ áp dụng giá đất mới nên hiện tại người ta mới ùn ùn đi làm hồ sơ để đóng tiền thuế theo giá đất cũ chứ giá mới thì chắc chắn là cao rồi đó. Tôi cũng vậy, đến đây từ đầu giờ chiều nhưng vì đông quá nên cũng phải tới chiều tối mới xong", bà Nguyễn Thụy Loan Châu (ngụ ở thành phố Thủ Đức) chia sẻ.

Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức cho biết thời gian qua, số lượng người dân nộp hồ sơ có xu hướng tăng nhanh, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức luôn chật kín người dân đổ về làm hồ sơ để tránh đóng tiền thuế cao.

Theo bà Lê Thị Kim Yến, Phó giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, tính riêng từ ngày 24 đến 28.9, Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức tiếp nhận hơn 4.600 hồ sơ, đến nay đã giải quyết hơn 2.000 hồ sơ, còn 2.000 hồ sơ còn lại là trong thời gian gia hạn, tức còn thời hạn để giải quyết hồ sơ theo quy định.

Lo mất thêm tiền thuế, người dân hối hả làm thủ tục đất đai- Ảnh 2.

Bà Lê Thị Kim Yến, Phó giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức

Ảnh: VÕ HIẾU

"Theo tâm lý người dân là cứ nghe thấy cái gì thay đổi mới, chưa biết là cao hay thấp hay như thế nào nhưng đa số người dân cứ tập trung đi làm cho nó xong. Theo thông tin ban đầu thì giá thuế mới sẽ thay đổi so với giá thuế cũ, sẽ tăng đó, nên tâm lý người dân là sẽ tranh thủ đi làm để được đóng theo giá cũ thì người ta mừng".

Để giải quyết nhanh lượng hồ sơ của người dân, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức cho biết đơn vị bố trí nhân sự làm luôn cả chiều thứ bảy, làm thêm ngoài giờ cho đến khi "hết người dân của ngày hôm đó mới nghỉ".

Lo mất thêm tiền thuế, người dân hối hả làm thủ tục đất đai- Ảnh 3.

Người dân tranh thủ chuẩn bị hồ sơ, điền thông tin trước khi đến quầy tiếp nhận

Ảnh: VÕ HIẾU

Báo cáo Hội đồng nhân dân TP.HCM, UBND thành phố khẳng định sẽ ban hành bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15.10. Theo tiến độ, ngày 30.9, Sở Tài nguyên và Môi trường trình lại Hội đồng Thẩm định bảng giá đất điều chỉnh. Hội đồng sẽ thẩm định trước ngày 10.10 và UBND TP.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15.10.

Việc điều chỉnh bảng giá đất theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND thành phố là để bảng giá đất trên địa bàn thành phố từng bước tiệm cận với giá thị trường, để tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động kinh tế xã hội, tránh ách tắc trong giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các tổ chức, cá nhân và góp phần triển khai sớm các công trình, dự án quan trọng của thành phố.

Do đó, quá trình thực hiện phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng, tiếp tục theo dõi và đánh giá tác động một cách toàn diện, lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu chọn phương án tối ưu nhất, phù hợp với tình hình thực tế thành phố.

Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, theo phương châm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.