Lo ngại an toàn hàng không

08/07/2023 06:42 GMT+7

Liên tiếp các sự cố hàng không xảy ra trong thời gian gần đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn trong lĩnh vực vận tải nhạy cảm hàng đầu.

41 sự cố trong 6 tháng

Cục Hàng không VN vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ quy định khai thác tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất. Văn bản của Cục nhằm chấn chỉnh tình trạng một số phi công của hãng hàng không chưa tuân thủ quy định về khống chế tốc độ, thời gian thoát ly đường cất hạ cánh, thời gian cắt qua đường cất hạ cánh và quy định về thông báo ATC (kiểm soát không lưu) trong trường hợp không thể tuân thủ các nội dung trên trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất theo quy định. 

Nhà chức trách hàng không nhận định những sự việc máy bay chạy quá tốc độ, không tuân thủ khống chế tốc độ đều tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn, nguy cơ dẫn đến va chạm máy bay vào cầu ống lồng hoặc nhà ga, gây hư hỏng hoặc cháy nổ. Do đó, Cục Hàng không yêu cầu người lái máy bay cần tuân thủ nghiêm các quy định về thoát ly đường cất hạ cánh để đảm bảo điều hòa khai thác, hạn chế tối đa trường hợp bay chờ, tiếp cận hụt hoặc chậm cất cánh, cũng như ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, Cục yêu cầu các hãng hàng không và người lái tàu bay tuân thủ nghiêm các quy định về khống chế tốc độ khai thác, các giới hạn, hạn chế khai thác quy định trong AIP (tập thông báo tin tức hàng không) và các tài liệu được Cục phê chuẩn.

Lo ngại an ninh hàng không - Ảnh 1.

Máy bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM

Độc Lập

Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng ra công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường bảo đảm an toàn hàng không đợt cao điểm. Theo báo cáo công tác đảm bảo an toàn hàng không của Cục Hàng không, 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 41 sự cố, trong đó có 1 vụ tai nạn hàng không. Dù số lượng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 9 sự cố), song ngày 24.6 đã xảy ra sự cố không lưu nghiêm trọng về vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại Cảng HKQT Nội Bài.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan lốp máy bay bị vật ngoại lai cắt dẫn đến hỏng, ảnh hưởng hoạt động khai thác. "Đây là các sự cố hàng không nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hoạt động bay đối với tất cả các lĩnh vực, bao gồm khai thác máy bay, quản lý hoạt động bay, quản lý cảng hàng không sân bay, sân bay", Bộ trưởng GTVT chỉ rõ và yêu cầu Cục trưởng Cục Hàng không chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về bảo đảm an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, sân bay.

Động thái "cao trào" chấn chỉnh các hoạt động bay diễn ra sau sự cố chấn động ngày 24.6 vừa qua - hai máy bay suýt va nhau trên đường băng 11R sân bay Nội Bài. Chuyến bay AIQ645 của Thai Air Asia lăn ra đầu đường băng 11R chuẩn bị chạy đà cất cánh. Bên cạnh việc không tuân thủ đúng quy chuẩn về trao đổi huấn lệnh giữa không lưu và tổ bay của Thai Air Asia thì điểm đáng chú ý là sau khi phát hiện vụ việc, kiểm soát viên không lưu không có hành động gì để xử lý tình huống. Vụ việc xảy ra từ ngày 24.6, nhưng sau gần 1 tuần, đến ngày 30.6, Công ty quản lý bay miền Bắc mới chuyển thông tin cho Ban An toàn của Tổng công ty quản lý bay. Hiện kíp trực không lưu liên quan đến sự cố đã bị Cục Hàng không tạm đình chỉ để xác minh sự việc.

Hai máy bay suýt va nhau ở Nội Bài vì sai sót kiểm soát không lưu

Rủi ro cao nhất đến từ con người

Đây không phải lần đầu tiên tại VN xảy ra sự cố suýt va chạm máy bay do phi công không thực hiện đúng huấn lệnh kiểm soát không lưu. Hồi năm 2014, một máy bay cũng lăn nhầm vào đường lăn tại Cảng hàng không Phú Quốc do tổ lái không nắm chắc sơ đồ và phương thức vận hành trên đường lăn tại cảng, không thực hiện huấn lệnh kiểm soát không lưu dù đã báo nhận huấn lệnh. Sau đó 1 năm, Thanh tra Cục Hàng không đã phải ra quyết định xử phạt 2 kiểm soát viên không lưu vì thực hiện nhiệm vụ sai quy trình, dẫn đến hai máy bay suýt va chạm nhau. 

Đến năm 2017, máy bay Airbus A321 dân sự và một máy bay quân sự bị chồng lấn về phân cách tối thiểu tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Một lần nữa, lỗi được xác định do đơn vị điều hành bay dân dụng và quân sự, phối hợp không lưu chưa chặt chẽ. Tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) từng xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng: kiểm soát viên không lưu ngủ quên khiến cơ trưởng máy bay khi hạ cánh không thể thiết lập liên lạc với đài kiểm soát không lưu, phải bay vòng 30 phút.

Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia có thâm niên làm việc trong lĩnh vực hàng không khẳng định: Với ngành hàng không, ngày nào còn bay khai thác thì ngày đó vấn đề an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu. Không phải vì một vài sự cố hay sự kiện xảy ra thì các nhà chức trách hàng không mới bàn đến vấn đề an toàn bay. An toàn hàng không đến từ tổng hợp tất cả mắt xích gồm người điều khiển, vận hành, khai thác phương tiện mặt đất, thiết bị, kiểm soát viên không lưu, đường lăn, đường cất hạ cánh đến bảo dưỡng kỹ thuật… Mọi mắt xích đều không bao giờ được lơ là.

Sân bay Vinh mở cửa trở lại sau sự cố bong tróc đường băng

Trong công điện vừa gửi đi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu: Các bên liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay, nghiêm túc thực hiện quy định, quy trình khai thác bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động bay. Những đơn vị khai thác sân bay nghiên cứu, cải tiến các giải pháp nhằm ngăn chặn hữu hiệu, kịp thời các vật ngoại lai (FOD) xuất hiện tại khu bay; tăng cường kiểm tra, vệ sinh vị trí đỗ máy bay, đường lăn, sân đỗ, đường băng... để bảo đảm an toàn khai thác máy bay. Tổng công ty quản lý bay được yêu cầu thực hiện đúng các quy trình, quy định chuyên môn tiêu chuẩn khai thác; tuân thủ chặt chẽ tài liệu hướng dẫn khai thác nhằm đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Đơn vị này cần nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố hoạt động bay; tiến hành bình giảng sự cố xảy ra với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm, và báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15.7.

Tuy nhiên, bất kỳ ngành nghề nào cũng có rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường hàng không phát triển mạnh mẽ, các hãng bay khai thác với cường độ cao, trong khi hạ tầng sân bay, trang thiết bị, con người… dù liên tục được nâng cấp nhưng vẫn khó đáp ứng kịp nhu cầu như hiện nay. Thị trường càng phát triển "nóng" thì rủi ro càng cao, tương tự như đường phố càng nhiều xe cộ thì càng tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, vấn đề an toàn hàng không cũng luôn phải đặt trong tư thế cảnh giác cao.

Theo vị này, trong hệ sinh thái các quy trình hình thành nên hệ thống an toàn hàng không, yếu tố con người là mắt xích quan trọng nhất nhưng cũng là mắt xích yếu nhất. Khoa học kỹ thuật càng phát triển, công nghệ càng hiện đại thì rủi ro đến từ các yếu tố này càng được hạn chế. Các vấn đề hỏng hóc liên quan máy móc, môi trường trong các sự cố hàng không ngày càng ít đi mà chủ yếu đến từ nguyên nhân giới hạn của con người. Đơn cử như sự việc hai máy bay suýt va chạm trên đường băng sân bay Nội Bài vừa xảy ra, cả hai đều là máy bay tốt, đường băng tốt, thời tiết tốt, mọi thứ đều tốt, sai sót nằm trong quy trình tác nghiệp của những con người liên quan.

"Đôi khi công nghệ hiện đại lại vô tình tạo ra sự chủ quan, con người quá ỉ lại vào máy móc dẫn đến rủi ro. Huấn luyện là yếu tố tạo ra sự khác biệt trong mắt xích con người. Do đó, công tác đào tạo, huấn luyện cần liên tục được cải thiện, quan tâm, ưu tiên để nguồn nhân lực ngành hàng không thích ứng với môi trường và kỹ thuật đang ngày càng phát triển. Từ đó, đảm bảo hiệu quả tối ưu cho hệ thống an toàn hàng không" - vị chuyên gia hàng không này nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.