Tờ The Guardian ngày 31.1 đưa tin Cơ quan Bảo vệ môi trường New Zealand cho biết sẽ cấm các hóa chất vĩnh cửu trong mỹ phẩm từ năm 2027, nhiều khả năng trở thành nước đầu tiên áp dụng lệnh cấm này.
Những hóa chất vĩnh cửu như perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, được gọi là PFAS, thường có trong sơn móng tay, kem cạo râu, phấn nền, son môi và mascara, giúp các sản phẩm bền, dễ tán và chống nước.
Chúng là một nhóm gồm khoảng 14.000 hóa chất thường được sử dụng để tạo ra các sản phẩm có khả năng chống nước, vết bẩn và nhiệt, được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng hầu như không thể phá hủy.
Do hầu như không thể phân hủy nên tích tụ dần trong cơ thể và các nghiên cứu cho rằng chúng liên quan ung thư, vô sinh và gây hại môi trường.
Các hóa chất này đã được phát hiện trong các nguồn nước uống, bọt biển, nước mưa và nước ngầm, băng trên biển và trong máu người.
"Mối lo ngại của chúng tôi là chúng không bị phân hủy trong cơ thể hoặc môi trường. Khi tích tụ, chúng có liên quan một loạt tác hại, như một số bệnh ung thư và các vấn đề về nội tiết tố", theo AFP dẫn lời chuyên gia Shaun Presow tại Cơ quan Bảo vệ môi trường New Zealand.
"Hóa chất vĩnh cửu" gây ô nhiễm, Tập đoàn 3M chi 10 tỉ USD dàn xếp
Ngành mỹ phẩm New Zealand có thời hạn đến 31.12.2026 để từng bước từ bỏ việc sử dụng các hóa chất trên. Ngoài ra, New Zealand cũng sẽ cấm sử dụng FPAS trong bọt chống cháy từ tháng 12.2025.
Một số tiểu bang Mỹ có các chính sách bảo vệ mọi người khỏi PFAS và Liên minh châu Âu đang cân nhắc cấm những hóa chất vĩnh cửu này.
Bình luận (0)