Lo ngại dân số già, Bộ Y tế đề xuất quyền quyết định số con

Liên Châu
Liên Châu
10/07/2024 12:36 GMT+7

Cùng với đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con, Bộ Y tế cũng đề xuất các vợ chồng, cá nhân vẫn có nghĩa vụ thực hiện chính sách, pháp luật về dân số phù hợp với từng thời kỳ.

Bộ Y tế đang là đầu mối xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật Dân số.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay; chất lượng dân số được cải thiện).

Lo ngại dân số già, Bộ Y tế đề xuất quyền quyết định số con- Ảnh 1.

Bộ Y tế đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh

LIÊN CHÂU

Tuổi thọ trung bình người Việt Nam tăng nhanh, đạt 73,7 (2023) cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với việc già hóa dân số; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.

Lo ngại dân số già, Bộ Y tế đề xuất quyền quyết định số con

Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới, trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số, với một số mục tiêu chính là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số...

Một trong các nhóm vấn đề được đưa ra tại dự thảo là quy định về điều chỉnh quy mô dân số, điều chỉnh mức sinh, thực hiện duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hóa gia đình và quy định về số con.

Theo ban soạn thảo, việc điều chỉnh mức sinh phải gắn với yêu cầu giảm sinh ở những tỉnh, thành có mức sinh cao, duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành đạt mức sinh thay thế, tăng sinh ở những nơi có mức sinh thấp để đạt mức sinh thay thế.

Để duy trì mức sinh thay thế, cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến tuyên truyền, tư vấn về dân số, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; ưu tiên đầu tư kinh phí và xây dựng các chính sách hỗ trợ, khen thưởng phù hợp với từng đối tượng, từng vùng.

Đánh giá về nguy cơ dân số già và dân số tăng trưởng âm nếu không duy trì mức sinh thay thế, dự thảo luật Dân số đề xuất các giải pháp duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con với mục tiêu của duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). 

Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định Hiến pháp 2013.

Quyền quyết định số con của các cặp vợ chồng, cá nhân 

Dự thảo đề xuất 3 giải pháp, trong đó có đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Theo Cục Dân số, đề xuất này có ưu điểm tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phải đối mặt. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh lên mức sinh thay thế.

Khi mức sinh tăng lên, sẽ làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh và cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa dân số và cải thiện chất lượng dân số; giúp tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, có tác động kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô; tăng thu nhập bình quân đầu người, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng lưu ý, để tránh hiểu không đúng, hiểu sai trong việc thực hiện, luật quy định cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.

Giải pháp này cũng có hạn chế là: nếu không chú trọng tuyên truyền vận động dễ dẫn tới tăng đột biến mức sinh. Ước tính, quy mô dân số đến năm 2030 tăng 2 triệu người so với giải pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình như hiện nay, ảnh hưởng tới chỉ số thu nhập bình quân trên đầu người và chi bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ước tính của các chuyên gia về dân số, tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm, bình quân giai đoạn 2017 - 2020 là tăng 1,07%.

Tuy nhiên, do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo (theo dự báo dân số Việt Nam 2019 - 2069 của Tổng cục Thống kê).

Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.

Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo đúng như mục tiêu Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới đề ra thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.

Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.