Hôm qua 12.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về tiếp nhận, xử lý, giám sát đơn thư, khiếu nại tố cáo của người dân và biểu quyết thông qua Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Dù đã dự thảo lần thứ 9 nhưng nhiều ủy viên trong UBTVQH vẫn lo ngại tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo “chạy lòng vòng” từ cơ quan này sang cơ quan khác, không được xử lý rốt ráo, triệt để và thỏa đáng khiến người dân bức xúc.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng, lâu nay ở các địa phương đều có cơ quan tiếp nhận nên số lượng người dân tố cáo, khiếu nại lên QH không nhiều, nhưng một số trường hợp bức xúc vì người dân cảm thấy không được xử lý thỏa đáng. Bà Nương kể: “Như trường hợp của bà Dung (một người dân - PV) gần như tuần nào, có tuần ngày nào cũng đến đứng trước cổng QH đòi được gặp lãnh đạo để phản ánh nhưng không ai tiếp cả. Tôi thấy rất phản cảm”. “Tôi biết việc này đã được giải quyết nhưng người ta thấy chưa thỏa đáng nên lại đến tố cáo, khiếu nại thì QH vẫn phải có cơ quan để lắng nghe xem nhân dân họ cần gì nữa, mình phải làm công tác tư tưởng tới cùng chứ”, bà Nương nói.
Chốt lại câu chuyện, bà Nương cho rằng, dự thảo Nghị quyết về tiếp nhận, xử lý, giám sát đơn thư, khiếu nại tố cáo của người dân không chỉ để đưa ra các quy định về quy trình, địa chỉ tiếp nhận đơn thư mà quan trọng hơn khi đại biểu QH, các cơ quan của QH tiếp dân trước là tiếp nhận đơn thư, sau là phải lắng nghe ý kiến của nhân dân xem họ cần gì. Nếu giúp được ngay thì giải thích để người dân yên tâm ra về, còn không phải hướng dẫn họ đến cơ quan nào, nơi nào để phản ánh.
Dự thảo nghị quyết gồm 7 chương, 40 điều quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Báo cáo kết quả tới cơ quan của QH, đại biểu QH trong vòng 7 ngày từ ngày có văn bản giải quyết.
Cũng trong sáng, UBTVQH đã thông qua pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó quyết định không trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Lý do là cơ quan này chỉ điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tính chất manh động, chống trả của loại tội phạm này ít nguy hiểm, số vụ điều tra không nhiều. |
Anh Vũ
>> Chấm dứt giải quyết 4 vụ khiếu nại kéo dài
>> Giải quyết khiếu nại, tố cáo sai phải bồi thường
>> Khiếu nại tố cáo đông người tăng 22,6%
>> Phải công khai quyết định giải quyết khiếu nại
>> Buông lỏng kiểm soát vật liệu nổ, vũ khí nguy hiểm ở bến xe, nhà ga
>> Bắt kẻ chế tạo trái phép vật liệu nổ
>> Siết chặt việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ
Bình luận (0)