Thế giới chê, đổ về VN
Formosa đã “làm mưa làm gió” ở các nước như Nhật, Campuchia… Sau khi các nước “chê” và “chán” thì mới đổ vô Hà Tĩnh. Tiếp đến là nhà máy giấy ở Hậu Giang, nay đến nhà máy nhiệt điện than ở Long An. Tại sao những gì thế giới chê mà VN mình lại đón nhận? Phải chăng trước khi cấp phép, chấp thuận dự án đầu tư chúng ta quên tìm hiểu lịch sử của thương hiệu đó, phương thức hoạt động của họ như thế nào, đã bị các nước từ chối ra sao? Hoặc biết mà vì “thành tích kêu gọi đầu tư” nên cứ phớt lờ bỏ qua?
Võ Thị Phương Thảo (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)
Cần trình độ, lương tâm khi giám sát
Với những dự án chứa đựng nhiều nguy hại thì các nước phát triển luôn có cơ chế kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ. Muốn vậy, đơn vị kiểm tra, giám sát phải có một trình độ kỹ thuật nhất định cộng với lương tâm của cán bộ giám sát. Phải làm sao bảo đảm nhà máy hoạt động trong phạm vi cho phép, đáp ứng được quyền lợi nhà đầu tư cũng như bảo vệ môi trường, kinh tế, đời sống của người dân xung quanh khu vực của dự án hoạt động. Nếu chúng ta chưa thực sự đủ trình độ, khả năng giám sát, kiểm tra các dự án, cán bộ chưa thực sự đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân địa phương đó, thì các cấp thẩm quyền nên ngưng chấp thuận “những dự án nguy hiểm”.
Ngô Công Tiến (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Không nên phó mặc hoàn toàn cho địa phương
Luật Đầu tư cho các tỉnh, thành có quyền chấp nhận một số dự án đầu tư. Ngoài cái quyền này cộng với nhu cầu kêu gọi đầu tư mà nhiều địa phương dường như bất chấp tất cả, bỏ qua đánh giá tác động môi trường và hiệu quả kinh tế về lâu dài. Đây là một trong những điểm yếu nhất trong kêu gọi, chấp thuận dự án đầu tư ở một số tỉnh thành. Lẽ ra Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải kiểm tra, giám sát chặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội để có biện pháp can thiệp kịp thời. Không nên phó mặc hoàn toàn cho địa phương để đến khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn rồi.
Nguyễn Trần Minh Hoàng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Nên khai thác nguồn năng lượng khác
Năng lượng than đã được VN phát triển từ lâu và hậu quả của nó để lại là không nhỏ. Đã có rất nhiều chuyên gia cảnh báo về nguồn điện từ than, thủy điện đã tàn phá môi trường, cảnh quan và trong tương lai sẽ cạn kiệt dần, nên phát triển nguồn điện từ mặt trời, điện từ sóng biển, từ gió… Vậy thì tại sao VN không nghiên cứu, kêu gọi đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển mà lại chấp thuận đầu tư nhà máy nhiệt điện than? Hơn nữa, Long An làm gì có mỏ than, còn than từ Quảng Ninh hay các mỏ khác hiện cũng đang cạn kiệt dần, vậy mà lại chấp thuận đầu tư nhà máy nhiệt điện than. Một khi nhà máy này mua than, nhập than với giá cao thì điện sản xuất được có giá thành cũng rất cao. Như thế thì có lợi gì mà chấp thuận đầu tư?
Nguyễn Thanh Vỹ (P.3, Q.6, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Thạch Sua (H.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Phan Nguyễn Hoàng Phúc (Q.6, TP.HCM)
|
Bình luận (0)