Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 30.11, ông Stéphane Bancel, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Hãng dược Moderna, dự báo các dòng vắc xin hiện nay sẽ không duy trì được hiệu quả trước biến thể Omicron như từng làm được với biến thể Delta.
Nhật Bản đã phát hiện ca đầu tiên mắc biến thể Omicron, một ngày sau khi siết chặt quy định nhập cảnh |
Reuters |
Thị trường biến động
“Tôi cho rằng sẽ có sự sụt giảm. Tôi chưa biết rõ hiệu lực vắc xin sẽ giảm đến mức nào vì chúng ta cần dữ liệu để chứng minh. Tuy nhiên, tất cả nhà khoa học mà tôi trao đổi đều có cùng phản ứng, rằng “điều này sẽ không tốt”, theo ông Bancel.
Trước đó, Đài CNBC dẫn lời ông Bancel dự báo phải cần khoảng 2 tuần để có được thông tin rõ ràng hơn về hiệu quả của vắc xin trước biến thể mới. Đồng thời, phải mất vài tháng để bắt đầu cung cấp phiên bản vắc xin khắc chế được biến thể này. Đến hôm qua, vẫn chưa thấy phản ứng của các hãng dược khác sau cảnh báo của Moderna.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng khoa học gia toàn cầu cho biết phải mất nhiều ngày đến vài tuần để xác định mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron, cũng như năng lực đột phá sự bảo vệ do vắc xin mang lại. Tuy nhiên, điều được nhất trí trong thời điểm hiện tại là vắc xin vẫn giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng.
Các vắc xin Covid-19 hiện tại hiệu quả ra sao trước biến thể Omicron? |
“Vắc xin sẽ giúp bạn không phải nhập viện (dù có kết quả dương tính với biến thể mới)”, theo ông John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học của bang Pennsylvania (Mỹ).
Dù vậy, theo sau lời cảnh báo của CEO Moderna, các cổ phiếu tại châu Âu giảm hơn 1% giá trị ngày 30.11. Trong số này, chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 giảm 1,3% vào sáng qua, rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 7 tuần. Các chỉ số như DAX (Đức), CAC 40 (Pháp) và FTSE 100 (Anh) giảm từ 1,1 - 1,5% trong phiên giao dịch đầu ngày. Trước đó, thông tin về sự xuất hiện của biến thể Omicron đã thổi bay 2.000 tỉ USD giá trị cổ phiếu toàn cầu hôm 26.11, Reuters đưa tin.
Phản ứng khác nhau
Trong lúc thông tin về biến thể mới gây nhiều hoang mang, Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an người dân không nên “hoảng loạn”. Ông khẳng định hiện chính quyền Washington vẫn chưa thấy cần phải áp dụng thêm những biện pháp phong tỏa hoặc mở rộng phạm vi giới hạn đi lại như một số nước khác. Nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ sớm công bố “chiến lược chi tiết” cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 vào mùa đông. Và theo ông, người Mỹ sẽ không phải quay lại tình trạng phòng dịch nghiêm ngặt như trước đó.
Tổng thống Biden: biến thể Omicron "đáng quan ngại" nhưng "đừng hoảng loạn" |
Về phần mình, Điện Kremlin cho hay cần thêm dữ liệu trước khi rút ra kết luận về biến thể Omicron. “Chúng tôi cho rằng những phản ứng trên của thị trường (thế giới) chỉ xuất phát từ cảm tính, không dựa trên chứng cứ khoa học vì chúng ta vẫn chưa có”, Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, nhà sản xuất vắc xin Sputnik V và Sputnik Light, cho biết nếu cần, phiên bản vắc xin Sputnik chống biến thể mới sẽ sẵn sàng trong vòng 45 ngày.
Hôm qua, Nhật Bản ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên mắc biến thể Omicron ở hành khách trong độ tuổi 30 đến từ Namibia. Hãng tin Kyodo News dẫn lời ông Hirokazu Matsuno, người phát ngôn chính quyền Tokyo, cho hay người bệnh đang được cách ly tại cơ sở y tế. Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Nhật Bản quay lại siết chặt các quy định nhập cảnh.
Cùng ngày, giới chức Úc xác nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên liên quan biến thể Omicron. Người mắc bệnh, tiêm hai mũi vắc xin, đã đến trung tâm mua sắm sầm uất ở TP.Sydney. Chính quyền sở tại đang đẩy mạnh công tác truy vết nhằm xác định những trường hợp tiếp xúc gần, theo Reuters.
Trước nguy cơ do biến thể Omicron mang lại, Anh từ ngày 30.11 yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, đồng thời hạn chế tụ tập nơi đông người để tránh lây nhiễm. Singapore cũng ngừng triển khai các biện pháp mở cửa trong lúc đánh giá biến thể mới, đồng thời tăng cường xét nghiệm nhằm giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Biến thể Omicron có thể giúp kết thúc đại dịch Covid-19? |
Còn Ấn Độ hứa hẹn sẽ sớm gửi thêm vắc xin cho châu Phi, khu vực xuất phát biến thể Omicron.
Từ tháng 10, chính quyền New Delhi nối lại việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 sau thời gian gián đoạn từ tháng 4. So với thời điểm tháng 4, Ấn Độ đã tăng hơn gấp 3 lần sản lượng vắc xin, đạt khoảng 300 triệu liều/tháng.
Bình luận (0)