Lo ngại không đạt chỉ tiêu GDP, CPI

06/08/2011 13:09 GMT+7

(TNO) Trước các chỉ số GDP và CPI theo báo cáo của Chính phủ, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo ngại Chính phủ sẽ không đạt được chỉ tiêu GDP và CPI như Quốc hội (QH) đã đề ra.

>> Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát

Sáng nay 6.8, QH tiếp tục thảo luận ở Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Siết chặt nhập khẩu

Đại biểu (ĐB) Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đánh giá, nước ta đang có tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực do nội lực nền kinh tế chưa mạnh, sức đề kháng của nền kinh tế chưa cao.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) phân tích: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đang thấp (thấp hơn cùng kỳ), tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, đầu tư công phải cắt giảm và đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm. Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng không thể đạt được. Song song đó, quá tập trung chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nên lạm phát tăng là tất yếu.

ĐB Thụ đề nghị QH điều chỉnh hai chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát (GDP và CPI).

Tuy nhiên, nhiều ĐB khác cho rằng không nên điều chỉnh hai chỉ tiêu trên mà Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong các chính sách kinh tế, tài chính để đảm bảo hai chỉ tiêu GDP, CPI và ổn định kinh tế.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nhận định: Giá cả biến động không theo tính toán của Chính phủ do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong điều hành kinh tế. Chính phủ cần rút kinh nghiệm, thận trọng và có đánh giá chuyên sâu (báo cáo trước QH) về lạm phát và nguyên nhân lạm phát, phân tích những yếu tố gây lạm phát.

“Chất lượng công tác dự báo kinh tế đang có vấn đề, lập kế hoạch vẫn còn mang bóng dáng của kinh tế tập trung. Quán triệt vấn đề lạm phát kinh tế còn chưa được sâu rộng và quan tâm đúng mức”, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) có ý kiến.

 
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên sâu về lạm phát - Ảnh: Ngọc Thắng

“Hạ nhập khẩu, đẩy mạnh dùng nguyên liệu trong nước để giảm nhập siêu. Song song đó là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm trong nước”, là giải pháp các ĐBQH đề nghị Chính phủ thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế.

ĐB Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) cho rằng: Tình trạng nhập siêu của nước ta còn cao (trong đó nhiều mặt hàng nhập khẩu là hàng xa xỉ, tiêu dùng không thiết yếu), dự trữ ngoại hối chỉ tương đương khoảng 2 tháng nhập khẩu là quá thấp. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều (sữa, trứng, rau củ quả… những mặt hàng sản xuất từ trong nước đều có thể đáp ứng) làm ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân. Chưa kể nhập những mặt hàng nhiễm độc, không đảm bảo chất lượng.

“Khi ký nhập những mặt hàng này, người ký, các cơ quan chức năng cần nghĩ đến đất nước chúng ta còn khó khăn và dân ta còn nghèo. Cần kiên quyết hơn trong siết chặt nhập khẩu các mặt hàng này”, ĐB Thịnh khẳng định.

Không “cào bằng” cắt giảm đầu tư công

Đẩy mạnh việc thực hiện một cách nghiêm túc chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát là biện pháp quan trọng Chính phủ đề ra và được các ĐB thống nhất đồng tình.

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều ĐB, Chính phủ cần xem xét đánh giá, cân đối các dự án, chương trình bị cắt giảm cho đúng với thực tế và không ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người dân.

 
Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn), Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết: VN (từ năm 2005 cho đến nay) luôn là nước nhập siêu. Nhưng cán cân xuất nhập khẩu này có một số đặc thù: trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi chúng ta còn chưa sản xuất được nhiều mặt hàng, máy móc thiết bị thì việc nhập siêu là điều cần thiết. 93% hàng hóa nhập khẩu vẫn là máy móc, thiết bị. Sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.

Theo kế hoạch, năm 2012, VN sẽ có khả năng sản xuất đầy đủ phân đạm, năm 2016 sẽ có đầy đủ xăng dầu cung ứng trong cả nước. VN đang hợp tác với Nhật, Hàn Quốc trong nhiều dự án xây dựng khu công nghiệp để sản xuất thiết bị máy móc, phục vụ sản xuất trong nước.

“Chính phủ nên đánh giá đầu tư nào nên dừng lại, đầu tư nào nên tăng cường và dứt điểm. Những công trình đã thực hiện hơn 40% cần tăng cường, làm cho dứt điểm vì nếu dừng lại lại gây lãng phí do công trình hư hao, đến khi đầu tư trở lại thì phải tốn thêm chi phí nâng cấp hư hao đó. Chưa kể, các công trình dở dang này (đặc biệt là công trình giao thông) gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân”, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu vấn đề. “Các công trình kiên cố hóa trường học, công trình y tế; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng sâu, vùng xa người dân đang rất mong. Cần đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, an sinh xã hội. Chính phủ cần xem xét đầu tư công cho hợp lý chứ không cắt giảm cào bằng tất cả”, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) có ý kiến.

VN đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", người ăn thì ít người làm thì nhiều. Đây là cơ cấu dân số lý tưởng khó mà lặp lại. Vì vậy chúng ta phải tận dụng cơ cấu này để phát triển đất nước. Cần đầu tư giáo dục dạy nghề nhưng không dàn trải, đúng đối tượng, mục tiêu để tận dụng, khai thác hết nguồn nhân lực. Đó là ý kiến đóng góp của ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang).

Sau hai phiên thảo luận tại Hội trường, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết đã có 43 ĐB phát biểu ý kiến. Các ĐBQH thống nhất với nhận định, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 cũng như các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

ĐB đề nghị Chính phủ cần quyết liệt thực hiện cho được 8 nhóm giải pháp đã đề ra để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và chăm lo đời sống của người dân.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.