Lo ngại kinh tế Trung Quốc, Fed chưa tăng lãi suất

18/09/2015 06:24 GMT+7

(TNO) Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố chưa nâng lãi suất, hoãn chuyện kết thúc việc áp dụng chính sách kích thích tiền tệ kỷ lục. Biến động thị trường và rủi ro từ Trung Quốc là hai nguyên nhân dẫn đến quyết định này.

(TNO) Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố chưa nâng lãi suất, hoãn chuyện kết thúc việc áp dụng chính sách kích thích tiền tệ kỷ lục. Biến động thị trường và rủi ro từ Trung Quốc là hai nguyên nhân dẫn đến quyết định này.

Chủ tịch Fed Janet Yellen - Ảnh: AFP
Theo Bloomberg và CNN, rạng sáng nay 18.9 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Fed Janet Yellen cho hay Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cận 0%, hoãn thực hiện quyết định nâng lãi suất - điều mà họ chưa từng làm kể từ tháng 12.2008, thời điểm khủng hoảng tài chính.
“Tình hình phát triển kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây có thể ngăn cản phần nào hoạt động kinh tế, gây áp lực hơn nữa đối với lạm phát trong tương lai gần”, tuyên bố của Fed cho hay.
Bà Yellen cho biết tại buổi họp báo hôm 18.9: “Lo ngại gia tăng về tình hình tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đã dẫn đến nhiều biến động đáng chú ý trong các thị trường tài chính”.
Quyết định trên cho thấy sự miễn cưỡng của Fed trong việc kết thúc kỷ nguyên của chính sách kích thích tiền tệ kỷ lục, trong lúc thị trường vẫn còn nhiều biến động, rủi ro từ quốc tế tăng cao và tình hình lạm phát Mỹ chưa có dấu hiệu thực sự tích cực. Fed vẫn không chắc chắn về tác động của tình hình kinh tế toàn cầu lên chính sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ethan Harris, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America ở New York (Mỹ) cho hay động thái của Fed là “sự trì hoãn có chiến thuật”, nhằm thu thập thêm thông tin về rủi ro kinh tế. “Khi mà thị trường lao động đã hồi phục được một thời gian, các thị trường vốn cũng cho thấy dấu hiện bình ổn, áp lực nâng lãi suất sẽ tăng tiến trong mỗi cuộc họp tới của Fed”, Harris viết.
Tác động của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang lan ra khắp thế giới, ảnh hưởng lớn đến các nước chuyên sản xuất hàng hóa. MSCI các thị trường mới nổi - chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán các nước như Trung Quốc, Brazil, Chile, Ai Cập - đã giảm 14% trong năm nay.
Laura Rosner, chuyên gia kinh tế Mỹ làm việc tại ngân hàng BNP Paribas và là cựu chuyên viên phân tích tại Fed, nói: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang lao dốc và đó là lý do tại sao các thị trường thế giới đều phản ứng”. Diễn biến thị trường chính là thông tin cơ bản, mới nhất và chân thực nhất cho các nhà hoạch định chính sách.
Bên trong nền kinh tế số một thế giới, Cục dự trữ liên bang cũng “đau đầu” vì tỷ lệ lạm phát còn khá bi quan, chỉ tăng có khoảng 0,3% trong vòng 12 tháng từ hè năm ngoái đến tháng 7 năm nay.
Sau thông tin trên, chứng khoán Mỹ đi lên với chỉ số Dow Jones tăng hơn 150 điểm. Hầu hết các thành viên của Fed đều cho rằng chuyện nâng lãi suất sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Trước mắt, Fed còn hai cuộc họp vào tháng 10 và tháng 12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.