Nhiều ý kiến lo ngại về dự án lấn biển này.
Trung tâm giải trí cho "thủ đô resort"
Theo kế hoạch, dự án (DA) sẽ khai thác gần 1.000 lô đất nền thương mại; xây dựng khu căn hộ cao cấp 12 tầng và dành khoảng 13 ha xây dựng 236 ngôi biệt thự biển. Điểm nhấn của DA này là 2 bờ kè lấn ra biển, xây quảng trường biển rộng gần 5 ha và các công trình giải trí khác.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thương mại và địa ốc Hoàng Quân (đơn vị triển khai dự án), cho biết mục tiêu của DA là đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí cho “thủ đô resort”, tạo cảnh quan, thu hút các doanh nghiệp tạo thêm sản phẩm du lịch. Điểm nhấn của DA chính là quảng trường biển. Tại đây, đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ được “uốn” cong, bao quanh quảng trường biển chừng 1 km. Quảng trường này có thể chứa 10.000 người cùng lúc, đáp ứng được các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
tin liên quan
Điêu đứng vì 'biển chết': Phải hành động để cứu biển!Nhiều bạn đọc nêu ý kiến phải hành động ngay để biển không biến thành “biển chết”, đồng thời tìm ra nguyên nhân cá biển bị chết hàng loạt, sau khi đọc các bài Điêu đứng vì “biển chết”! và Không hy sinh môi trường đăng trên Thanh Niên ngày 21.4.
DA nếu triển khai sẽ phải giải tỏa 838 hộ dân (2.500 người bị ảnh hưởng) thuộc P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết. Trong đó có 288 hộ dân phải giải tỏa trắng, bố trí vào khu tái định cư (gần đại lộ Võ Nguyên Giáp) và tổ chức lại việc buôn bán (khu bờ kè Hàm Tiến hiện nay) thành khu ẩm thực phục vụ du khách.
Lo ngại việc lấn biển
Thuyết minh về DA, ông Trần Anh Tuấn giải thích khi làm quảng trường và khu nhà cao tầng, chủ đầu tư sẽ làm 2 kè đê (mỏ hàn) hướng dài ra biển. Thứ nhất là để ngăn sóng, thứ hai là để tạo bãi cát.
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Thanh Niên, các chuyên gia về đới bờ và hải lưu lo ngại về tính khả thi của DA này, đặc biệt là việc lấn biển. Theo TS Đặng Văn Tỏ (hiện giảng dạy đại học tại bang California, Mỹ), vào mùa gió đông bắc, dòng chảy ven bờ thường mạnh do sóng lớn đổ vỡ gây ra. Ngược lại tại hạ lưu của mỏ hàn, dòng phù sa bị gián đoạn, bờ biển bị xói lở và có độ dốc lớn. Vào mùa gió tây nam, cơ chế bồi tụ - xói lở của đường bờ xảy ra theo chiều ngược lại. Do vậy đường bờ sẽ dao động qua lại theo mùa giữa 2 mỏ hàn được xây dựng dọc bờ. Vì độ sâu của bờ biển ở thượng lưu và hạ lưu mỏ hàn khác nhau, khúc xạ sóng sẽ định hình lại đường bờ và tạo ra một dòng chảy rút, chảy mạnh theo hướng xa bờ ở gần hạ lưu. Hậu quả kéo theo của việc này là chân đê của công trình mỏ hàn sẽ dễ dàng bị xói lở dẫn đến công trình không bền vững và gây nguy hiểm cho nhà cao tầng ven bờ. Việc xây 2 mỏ hàn này sẽ tạo dòng xoáy ngầm, tạo nguy hiểm cho người tắm biển. Nó có thể sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống các resort phía hạ lưu. Để giảm thiểu các tác động trên, nhà đầu tư cần phải có giải pháp nuôi bãi (Beach Nourishment). Vị trí mỏ hàn phải nằm giữa vùng sóng vỡ và khoảng cách giữa 2 mỏ hàn phải dài gấp 4 lần chiều dài mỏ hàn.
PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ TN-MT) cho rằng DA này có nhiều ưu điểm so với quy hoạch Mũi Né trước đây vốn rất manh mún. Tuy nhiên, quảng trường biển rộng 5 ha, một phần diện tích này lấn biển là “trái với quy luật tự nhiên”. Thông thường, cát biển rất linh động và chuyển động dưới tác động đồng thời của sóng và dòng chảy ven bờ. Do vậy, cát sẽ chỉ tụ lại tại những khu vực mà sóng gần bờ có hướng tới gần như vuông góc với bờ. Đó là lý do các bãi biển tự nhiên đều có dạng cong hoặc hơi cong với chiều cong hướng về phía bờ. Quảng trường biển thì ngược lại, theo thiết kế sẽ có bãi cát với chiều cong hướng ra phía biển. Nếu khu vực lấn biển được xây như thế này, phía trước khu vực quảng trường chắc chắn sẽ bị xói vào tới tận chân kè, sóng mạnh vào mùa đông và bão có thể làm sập toàn bộ khu vực này xuống biển. Tình hình sẽ còn xấu hơn vì hiện nay toàn bộ bờ biển vùng Bình Thuận bị thiếu cát, tức là lượng cát do các sông đưa ra không đủ bù đắp lượng cát mất đi do sóng và dòng chảy đưa ra khơi, do vậy rất nhiều khu vực bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, đối với những bãi biển đẹp như Hàm Tiến - Mũi Né, trên thế giới chưa hề có quy hoạch nào lấn biển, sử dụng không gian sát biển như thiết kế này. Nó không những không tạo được cảnh quan đẹp mà còn phá vỡ cảnh đẹp tự nhiên do các bãi biển mang lại cho con người.
“Để có một quy hoạch hợp lý nhất cho Hàm Tiến - Mũi Né, theo tôi không xây dựng công trình nào sát biển mà chỉ trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan. Quảng trường biển và công trình xây dựng khác phải lùi sâu vào bờ từ 50 - 100 m nữa. Không xây dựng 2 kè mỏ hàn 2 đầu quảng trường, giữ nguyên hiện trạng như bây giờ, hoặc chỉ làm kè ngầm, song song với bờ. Các kè này cách xa bờ và chỉ nhìn thấy khi thủy triều rút. Như vậy mới có tác dụng ngăn sóng và tạo bãi cát một cách tự nhiên”, PGS-TS Vũ Thanh Ca khuyến nghị.
Bình luận (0)