(TNO) Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga gia tăng hiện diện quân sự tại Bắc Cực, các cơ quan tình báo Mỹ đang ráo riết nghiên cứu tìm hiểu khu vực hoang vu có trữ lượng dầu, khí đốt và khoáng sản khổng lồ này.
Thủy thủ đoàn tàu tuần duyên Healy của Mỹ cùng nhóm nhà khoa học dự án quốc tế về hải dương Geotraces tại Bắc Cực ngày 7.9.2015. Tàu Healy đến Bắc Cực ngày 5.9, trở thành tàu không vũ trang đầu tiên của Mỹ đến khu vực này - Ảnh: Tuần duyên Mỹ |
Trong 14 tháng qua, gần như toàn bộ 16 cơ quan tình báo Mỹ đã điều động chuyên gia phân tích làm việc toàn thời gian đến Bắc Cực, theo Los Angeles Times. Văn phòng giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ mới đây đã triệu tập một “ban hoạch định chiến lược” nhằm liên kết các nhà phân tích lại với nhau để cùng chia sẻ các nghiên cứu.
Ngoài việc dựa vào dữ liệu từ các vệ tinh do thám của Mỹ và các thiết bị cảm biến rà quét dưới mặt nước lạnh giá, các chuyên gia Mỹ còn phân tích dữ liệu do thám thô thu thập từ một trạm do thám vừa được xây sửa gần đây của Canada tại Cực Bắc và tàu trinh sát Marjata của Na Uy. Tàu này đang được nâng cấp tại một xưởng đóng tàu của Hải quân Mỹ ở nam Virginia.
Động thái nói trên cho thấy Mỹ, tương tự những cường quốc khác, đang tìm cách điều chỉnh chiến lược của mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tạo ra những tuyến hải trình mới và tạo ra một cuộc đua nhằm vào khu vực hoang vu có trữ lượng dầu, khí đốt và khoáng sản khổng lồ.
Cơ quan Do thám địa không gian quốc gia Mỹ (NGA) đã dành hẳn 2 năm để vẽ các bản đồ và biểu đồ mới về các tuyến hải hành và lãnh thổ tại Bắc Cực. Một số thông tin về các bản đồ này đã được công bố công khai hồi tuần trước, trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama công du bang Alaska.
Những tấm bản đồ này cho thấy các đường băng, các khu vực khoan dầu, cảng biển, hải giới và các tuyến hải trình. NGA lên kế hoạch công bố bản đồ 3D về toàn vùng Alaska vào năm 2016 và toàn bộ Bắc Cực vào năm 2017 nhằm giúp cho việc theo dõi băng tan.
Một chiếc F-22 Raptor bay tuần trên các dãy núi tuyết phủ ở Alaska, năm 2009 - Ảnh: Không lực Mỹ |
Los Angeles Times cho biết, sự tập trung của cơ quan tình báo Mỹ tại Bắc Cực chủ yếu là nhằm vào hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Hạm đội Phương Bắc của nước này đang đồn trú tại Murmansk, nằm bên trong Vòng tròn Bắc Cực.
Hồi tháng 3.2014, Moscow đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại 10 căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại Bắc Cực, trong đó có 14 phi trường đã bị đóng cửa sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Bình luận (0)