Lo ngại nhà máy xi măng nằm gần khu dân cư

07/07/2017 10:02 GMT+7

Hơn 60 hộ dân ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận, H.Bình Đại (Bến Tre) vừa gửi đơn tới Báo Thanh Niên kêu cứu việc chính quyền cho xây dựng nhà máy xi măng cạnh khu dân cư.

Lo ngại cho sức khỏe và sinh kế
Khi biết tin nhà máy xi măng sẽ được xây dựng bên bờ sông Tiền, ngay cạnh khu dân cư, người dân không đồng tình và yêu cầu chính quyền dời nhà máy vào khu công nghiệp hoặc ở những địa điểm khác xa khu dân cư. Người dân nêu lo ngại khói bụi nhà máy thải ra sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nhất là trong mùa mưa, cộng với đó là tiếng ồn từ máy nghiền clinker...
Hầu hết dân cư địa phương đều sống bằng nghề nuôi tôm, thủy sản và trồng hoa màu, do vậy họ sợ khói bụi từ nhà máy xi măng bốc lên gặp mưa sẽ đổ xuống ao hồ, đất canh tác, gây thiệt hại cho sản xuất. Đặc biệt, đây là vùng biển nên đa số người dân đều sử dụng nước mưa và nước sông để sản xuất và sinh hoạt, nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh kế của họ.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bến Tre, dự án có tên gọi là “Trạm nghiền xi măng Bến Tre” được xây dựng trên diện tích 12.883 m2, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 50 năm. Đơn vị đầu tư là Công ty CP đầu tư và thương mại DIC, có trụ sở tại TP.HCM. Ngoài diện tích 12.883 mét vuông đất công được UBND tỉnh Bến Tre cho thuê ưu đãi, miễn tiền thuê đất 11 năm sau thời gian xây dựng cơ bản, nhà đầu tư còn mua thêm của dân 13.134 mét vuông.

tin liên quan

Dân tố dự án phân lô phá đường
Nhiều hộ dân ở đường số 36, KP.8 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) gửi đơn phản ảnh đến Báo Thanh Niên về tình trạng một con đường xuống cấp trầm trọng. 
Mặc dù gọi là “trạm nghiền xi măng” nhưng mục tiêu của dự án được ghi rõ là sản xuất xi măng và thạch cao với công suất thiết kế 1 triệu tấn xi măng/năm. Dự án sẽ xây dựng các hạng mục: kho chứa clinker 10.000 tấn, nhà nghiền xi măng, silô chứa xi măng, nhà đóng bao, cảng xếp dỡ nguyên liệu và sản phẩm cho các phương tiện trên 3.000 tấn, phòng thí nghiệm, hạng mục cấp thoát nước... Dự kiến đến cuối năm 2017 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường
Ngày 3.7, bà Lê Thị Thu Dung, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, cho biết: “Khu vực này có nuôi tôm, nằm cạnh sông Tiền, nhưng địa phương chưa lấy ý kiến của người dân”. Tuy nhiên, cũng theo bà Dung thì “vừa rồi được nhà đầu tư đưa đi tham quan Nhà máy xi măng Sông Gianh thấy cũng bình thường, không có tác động gì nhiều. Cây cối xung quanh tươi tốt, ruộng lúa bình thường”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Bình Đại, cho biết ngày 23.6.2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải cùng đại diện nhà đầu tư và các ngành có liên quan của tỉnh có buổi làm việc với huyện cùng các xã có liên quan như Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới Đông, Định Trung. “Tại cuộc họp này, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư báo cáo sơ bộ về thiết kế, công nghệ của nhà máy. Sau đó tỉnh thống nhất chủ trương tiếp nhận đầu tư”, ông Dũng nói.

tin liên quan

Công trình chống ngập làm nứt 180 nhà dân ở TP.HCM
Thời gian gần đây, nhiều người dân sống ở P.7, Q.8 (TP.HCM) phản ánh đến Báo Thanh Niên về việc đơn vị thi công công trình cống ngăn triều Phú Định (nằm trong chương trình chống ngập của TP.HCM) làm nứt nhiều nhà dân, khiến người dân phập phồng lo sợ...
Cũng theo ông Dũng thì phía nhà đầu tư đã tổ chức cho 2 đoàn gần 30 người, gồm cán bộ xã, cán bộ về hưu và cán bộ lãnh đạo của huyện, tỉnh ra Quảng Bình tham quan Nhà máy xi măng Sông Gianh, trước khi UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định cho chủ trương đầu tư.
“Nhà máy tại Sông Gianh sử dụng công nghệ của Đức để khai thác đá vôi và đất sét. Ngoài việc nổ bom gây tiếng ồn, các công đoạn còn lại đều không có bụi. Đất sét sau khi khai thác được đưa vào lò nung thành hạt clinker. Sau đó chuyển clinker vào nhà máy ở Bình Đại để nghiền thành xi măng rồi đóng bao, xuất xưởng”, ông Dũng nói.
Chúng tôi nêu thắc mắc vì sao nhà đầu tư không đặt nhà máy ở gần vùng nguyên liệu mà phải vận chuyển từ Quảng Bình vào Bến Tre với khoảng cách quá xa? Ông Dũng giải thích: “Vận chuyển clinker từ miền Trung về Bến Tre bằng đường biển... gần hơn, đồng thời vận chuyển clinker về Bến Tre sản xuất giá thành sẽ giảm hơn là vận chuyển xi măng”. Nhưng ông Dũng vẫn khẳng định “đây là trạm nghiền xi măng chớ không phải nhà máy. Vì công đoạn này chỉ nghiền và vô bao, mà vô bao cũng không có bụi”.
Ông Dũng cho biết sắp tới sẽ mời dân xã Lộc Thuận và các xã lân cận tới họp để tuyên truyền, giải thích về quy trình sản xuất của nhà máy này. Hiện nay dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.