Lo ngại rửa tiền qua tiền ảo, bất động sản

02/11/2022 06:11 GMT+7

Sáng 1.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên-Huế), các lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản (BĐS), chuyển tiền điện tử, có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo. Ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội

Gia Hân

Cạnh đó, giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát. Dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển, đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cho rằng để dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh, luật cần quy định thêm các hình thức mới. Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các dịch vụ chuyển tiền, tạo cơ sở để thanh tra, giám sát các hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố. “Để cấm, quản lý, xử lý giao dịch tiền ảo cần phải có quy định thích hợp”, ông Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, kiến nghị.

Ngăn rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết trong lĩnh vực BĐS có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, lợi dụng để rửa tiền. Các giao dịch BĐS có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát. ĐB Chung đề nghị bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh BĐS được quy định tại điều 33 của dự thảo luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều BĐS trở lên trong một lần.

ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề nghị sửa đổi các quy định liên quan tới thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch cũng như kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý đất đai, xây dựng, công chứng…

Giải trình các ý kiến ĐB về bổ sung dự thảo luật các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật. Tuy nhiên, trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong văn bản quy định pháp luật hiện hành, vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Do đó, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Cân nhắc thận trọng việc thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại

Sáng 1.11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án luật Đất đai sửa đổi. Liên quan tới thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng; Chính phủ tiếp tục quy định nhà nước thu hồi đất cho các “dự án đô thị”, “nhà ở thương mại (NOTM) sử dụng các loại đất không phải đất ở”. Riêng với dự án NOTM sử dụng các loại đất không phải đất ở, dự thảo quy định thêm: Nhà nước chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ lưỡng các tác động KT-XH, sự phù hợp với Nghị quyết 18 và cân nhắc thận trọng việc đưa dự án NOTM thuộc dự án thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.