Nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội (TVQH) đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng nền kinh tế hiện nay và có dự báo chính xác để kịp thời điều chỉnh mục tiêu ưu tiên cho phù hợp.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Ngọc Thắng |
Nhiều Ủy viên TVQH đã không quá mừng trước báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm với mức giảm thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Tăng trưởng GDP quá thấp
Tại phiên họp TVQH hôm qua, 20.4 để thảo luận báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế xã hội năm 2011, Kế hoạch thực hiện năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết mức tăng CPI tháng 4 vào khoảng 0,06%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát cũng đã tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng, chính vì vậy mà tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt mức 3,97% (Bộ trưởng cho biết Chính phủ làm tròn số 4% - PV); tổng thu ngân sách chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ. Kéo theo đó là sự giải thể của hàng loạt doanh nghiệp (DN).
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận qua kết quả kiềm chế lạm phát có biểu hiện của sự suy giảm. “Nếu nói suy giảm chẳng có gì sai cũng chả có gì quá đáng cả. CPI giảm đột ngột, mạnh thế này là có vấn đề, 3 tháng mới là 2,55%, còn tháng 4 này khoảng 0,06%; GDP tăng chậm lại và thấp hơn nhiều năm trước; phát triển sản xuất công nghiệp chỉ bằng 50% năm trước, hàng tồn kho xấp xỉ 35%; số DN gặp khó khăn tăng cao; và thu ngân sách quý 1 chỉ tăng 0,4% vì sản xuất kinh doanh đình đốn...”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 6% rất khó đạt nếu cứ tiếp tục chính sách thắt chặt như hiện nay, song Bộ trưởng cũng “trấn an” các Ủy viên TVQH “đây chỉ mới là dấu hiệu bước đầu, chờ đến tháng 5 tới nếu có biểu hiện nhân lên, lúc đó đưa ra chính sách điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Cần bình tĩnh một chút để xem xét, điều chỉnh trong quý 2 này”. Cũng theo Bộ trưởng, “Năm 2012 nên kiềm chế CPI ở mức 8 - 9% là phù hợp, rút xuống thấp quá sẽ khó khăn cho tăng trưởng. Tăng trưởng cũng chỉ nên đặt mục tiêu 5,5%, đạt được 6% là quá tốt”.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tăng trưởng tối thiểu 6% là mức hợp lý, “còn nếu dưới nữa sẽ rất phiền”, bởi theo ông, “mọi việc chung lại đều tập trung ở mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, không có tăng trưởng chẳng làm được gì cả, từ an sinh xã hội đến giải quyết hàng loạt vấn đề khác”. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ trong tháng 5 tới phải cập nhật rõ thêm các biểu hiện về suy giảm kinh tế và nhấn mạnh “nếu khi báo cáo ra QH các đồng chí nói mấy quý tới tình hình tăng trưởng xấu hơn quý 1 thì rõ ràng mục tiêu phải điều chỉnh, dù vẫn phải bảo đảm kiềm chế lạm phát (khoảng 9%)”.
Chủ tịch QH nói thêm: Nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì “không ai làm ăn được gì cả” và nếu xuống thấp hơn chút nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa. “Cung mà thiếu thì có bao nhiêu tiền trong nhà cũng không tiêu nổi. Giá lên ta không sợ bằng không có cái mà ăn”, ông ví von, đồng thời lưu ý Chính phủ thời gian tới, ngân sách bắt đầu “hơi thả ra”, thực hiện tăng lương cơ bản, giảm lãi suất ngân hàng... cho nên không thể chủ quan với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%.
Phải tập trung cứu doanh nghiệp
|
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tính đến cuối năm 2011, tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động lên tới gần 53.800, tăng 24,7% so với năm 2010. Tương tự, trong 3 tháng đầu năm 2012, đã có trên 2.400 DN đã làm thủ tục giải thể và khoảng 11.600 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Trong tổng số các DN đã giải thể, các DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất với tỷ lệ 26,1%. “Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng so sánh.
Mặc dù Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu một số giải pháp khắc phục tình trạng này, song Ủy ban Kinh tế vẫn nhấn mạnh thêm đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa. “Cần có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản trị của các DN theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các DN nhà nước. Có chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và giảm lãi suất đối với các DN sản xuất, xuất khẩu nhưng phải bám sát tín hiệu thị trường và triển vọng nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, cơ quan thẩm tra lưu ý.
Đồng thời, Chính phủ cần bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng cao, thận trọng, chặt chẽ trong việc nới lỏng tín dụng cho các khu vực phi sản xuất, tránh những can thiệp hành chính liên quan đến cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ.
Liên quan đến nội dung này, tại phiên thảo luận chiều, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết trung tuần tháng 5 sẽ báo cáo Ủy ban TVQH bức tranh toàn cảnh về DN với độ chính xác cao hơn.
Bảo Cầm
Bình luận (0)