|
Theo AP, phát biểu bên lề kỳ họp LHQ ở New York (Mỹ) hôm qua, Tổng thống Aquino III đã trưng nhiều hình ảnh về các hành động đào đắp, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Ông cho biết thêm Trung Quốc đã điều 2 tàu khảo sát đến bãi Cỏ Rong hồi tháng 6. Tổng thống Aquino III nói Philippines không biết rõ mục đích của 2 tàu này nhưng nghi ngờ chúng đã tiến hành đo đạc, khảo sát để Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu ra khu vực nói trên, tương tự hành động hạ đặt giàn khoan phi pháp trong vùng biển VN hồi giữa năm. AP còn dẫn lời ông Aquino III nhấn mạnh các nước trong khu vực cần chung tay phản ứng các hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông.
Hiện nay, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc Trung Quốc biến ít nhất 6 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nổi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường về quân sự và pháp lý. Kể cả những nước không trực tiếp tham gia tranh chấp cũng tỏ ra rất quan ngại về tình hình an ninh biển khu vực. Tờ Jakarta Post dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Điều phối an ninh biển Indonesia Desi Albert Mamahit cho hay vùng biển quanh nhóm đảo Natuna của nước này cũng bị “đường lưỡi bò” liếm trúng trong khi Trung Quốc lại không làm rõ quan điểm về vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Vì vậy, ông Mamahit nhận định đây là “mối đe dọa thực sự” đối với Indonesia.
Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp trên bộ giữa Trung Quốc với Ấn Độ cũng đang có những diễn biến căng thẳng. Theo Reuters, hàng trăm binh sĩ của 2 nước đang tập trung tại khu vực cao nguyên Ladakh thuộc dãy Himalaya. Giới chức New Delhi cho biết lính Trung Quốc đã cắm trại sâu trong khu vực Chumar thuộc Ladakh mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền khoảng 3 km từ hơn 1 tuần trước. Các binh sĩ Ấn Độ cũng đóng gần đó và được lệnh không rút quân.
Tất cả những diễn biến trên càng khiến dư luận chú ý hơn đến tuyên bố ngày 23.9 của Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu quân đội nước này luôn trong tư thế sẵn sàng, theo trang tin DNA.
Thuyền trưởng Trung Quốc tố bị Triều Tiên đánh đập Thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc Diêu Thụy Sinh ngày 24.9 cho biết mình bị lực lượng tuần duyên CHDCND Triều Tiên đánh đập và gí súng để buộc nhận tội đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này. Theo Nhân Dân nhật báo, tàu của ông Diêu bị bắt ở Hoàng Hải ngày 12.9 và Triều Tiên bắt nộp phạt 250.000 nhân dân tệ (hơn 860 triệu đồng). Đến ngày 17.9, ông Diêu và 5 thuyền viên được thả nhưng tàu của họ bị tịch thu. Ông Diêu tuyên bố tàu của ông không xâm phạm vùng biển Triều Tiên nhưng bị lực lượng tuần duyên nước này dùng vũ lực kéo vào lãnh hải. Chính quyền 2 nước chưa có phản ứng về thông tin trên. |
Trùng Quang
>> Bị Trung Quốc khiêu khích, Mỹ điều thêm tàu sân bay đến châu Á
>> Trung Quốc muốn tiếp cận tàu sân bay Mỹ để học cách vận hành Liêu Ninh
>> Triều Tiên lên án tàu sân bay Mỹ
>> Trung Quốc nhái thiết kế tàu sân bay hạt nhân Mỹ?
Bình luận (0)