Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, một người Việt tại Nam Phi đang sắp phải hầu tòa sau khi cảnh sát phát hiện người này mở lò sát sinh động vật quý hiếm tại tư gia. Vụ xét xử đã được dời đến giữa tuần sau vì giới công tố muốn có thêm nhiều thời gian để điều tra liệu bị cáo Nguyễn Văn Hải có phải là một mắt xích nhỏ trong đường dây quốc tế chuyên buôn lậu động vật hoang dã hay không. Với tuổi đời còn trẻ, 25 tuổi, Hải được cho là không thể tự mình chủ mưu toàn bộ vụ việc trên. Hải là dân nhập cư bất hợp pháp vào Nam Phi từ tháng 1.
Lò sát sinh
Sau khi nhận được thông tin phản ảnh từ Hội Bảo vệ thú vật tại Pretoria, các điều tra viên thuộc Đơn vị thu thập tin tức tình báo tội phạm (SAPS) đã ập vào ngôi nhà sang trọng của Nguyễn Văn Hải, tọa lạc tại một khu đắt đỏ nằm ở ngoại ô Pretoria. Đây cũng là nơi tập trung tư gia của nhiều cán bộ ngoại giao nước ngoài cũng như quan chức chính phủ. Cùng phối hợp với lực lượng SAPS là các đơn vị Cảnh sát Đô thị Tshwane, Văn phòng Quản lý môi trường và nông nghiệp thành phố và đội Bò cạp xanh của Bộ Môi trường du lịch. Theo báo Sunday Tribune, khi lực lượng cảnh sát và giới chức đến ngôi nhà trên đường Nicholson, họ phát hiện một cảnh tượng hết sức kinh hoàng. Xác và xương thú vật vương vãi khắp nhà, một số được giấu trong thùng, một số cất kỹ trong những túi thực phẩm bắp, số còn lại chất đầy phòng ngủ và các phòng khác. Báo Daily Mail dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Console Tleane cho hay: “Xác thú vật nằm đầy ra sàn, ở khắp nơi trong nhà. Đây là cảnh tượng hãi hùng nhất mà chúng tôi từng chứng kiến”. Ngoài xương xẩu, lực lượng điều tra còn tìm thấy tiền USD và tiền Nam Phi, tổng cộng khoảng 100.000 USD, được giấu kỹ bên trong và dưới các tấm thảm.
Giới chức quản lý môi trường và nông nghiệp xác nhận xác và xương động vật được tìm thấy trong ngôi nhà trên là của sư tử và tê giác (ít nhất 13 con), 2 trong số 5 loài động vật lớn nổi tiếng của Nam Phi (sư tử, báo, tê giác, voi và trâu). Người ta cho rằng Hải, người thuê ngôi nhà trên cùng với 2 người Việt khác, đã dùng xe tải chuyển sư tử và tê giác về nhà trước khi xẻ thịt chúng trong phòng khách ở tầng dưới. Hiện vẫn chưa rõ những con vật tội nghiệp này có được tiêm thuốc mê khi bị hành quyết hay không. Giới chức cũng đã tiến hành việc tẩy uế khu nhà với lo ngại bệnh truyền nhiễm mà thú vật có thể mang trong người khi bị hành quyết, như bệnh lao, sẽ lây lan ra cộng đồng dân cư xung quanh.
Đường dây buôn lậu người Việt
Theo luật địa phương tại Pretoria, việc sát hại động vật tại khu vực dân cư mà không có sự đồng ý của cảnh sát trưởng, chuyên gia về sức khỏe môi trường và bất cứ quan chức nào có liên quan đến việc ngăn chặn sự tàn nhẫn đối với thú vật là hành động vi phạm pháp luật. Chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ, đó là xẻ thịt vì mục đích tôn giáo hoặc cung cấp thịt cho bản thân người đó sử dụng. Với hành vi của mình, Hải có thể đối mặt với 2 năm tù hoặc khoản tiền phạt 20.000 rand (khoảng 39 triệu đồng VN). Đó là chưa kể những cáo buộc khác có thể được đưa ra sau khi giới công tố hoàn tất công tác điều tra.
Cảnh sát Nam Phi đang mở rộng cuộc điều tra và phối hợp với Bộ Y tế nước này và một số bộ khác để thực hiện nhiều cuộc kiểm tra tại “lò sát sinh” trên. Theo phát ngôn viên Tleane, cảnh sát cho rằng hung thủ đã xẻ thịt sư tử và tê giác để lấy da, xương và sừng để cung cấp cho một đường dây buôn lậu động vật quý hiếm tại phương Đông. Các điều tra viên nghi ngờ rằng Hải làm việc tại Nam Phi cho một tổ chức giàu có với quy mô toàn cầu, những kẻ đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc buôn bán các bộ phận động vật quý hiếm. Đây không phải lần đầu tiên tổ chức người Việt bị nghi ngờ đứng sau các vụ buôn bán thú quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Nam Phi. Tờ báo địa phương Mail & Guardian hồi đầu năm đã đưa tin gần 100 con tê giác đã bị sát hại lấy sừng tại nước này, và thủ phạm chính là những người Mozambique, được cho là hoạt động dưới bàn tay điều khiển của các tổ chức người Việt.
Dù Nam Phi xử phạt nặng các hành động săn trộm sư tử và tê giác, nhưng nhiều người vẫn ra tay sát hại 2 loài thú đang gần tuyệt chủng này vì siêu lợi nhuận. Theo thông tin của hãng BBC, một chiếc sừng tê giác mua ở Nam Phi có giá khoảng 40.000 USD, nhưng nếu bán ở Việt Nam có thể được khoảng 100.000 USD. Trong khi đó, giá thị trường chợ đen của một khúc xương sư tử vào khoảng 10.000 USD.
Thụy Miên
Bình luận (0)