Lo thất thoát ngân sách, Quốc hội ‘khai tử’ dự án BT

Anh Vũ
Anh Vũ
18/06/2020 17:10 GMT+7

Với đa số các đại biểu tán thành, chiều 18.6, Quốc hội đã thông qua luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) .

Số phận dự án BT đã làm như thế nào?

Nội dung đáng chú ý nhất liên quan tới “số phận” của hợp đồng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo Luật, vì không đúng bản chất hợp tác công tư. Đồng thời, đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng, thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
“Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại dự thảo luật”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Như vậy, kể từ thời điểm ngày luật này có hiệu lực (1.1.2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Thậm chí, điều 101 của luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15.8.2020.
Đối với các dự án BT đã triển khai việc xử lý sẽ như thế nào? Theo điều 101 của luật, dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện. Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.1.2021) thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, một trong những dự án BT được kết luận có nhiều sai sót

Ảnh Nguyễn Khánh

Thất thoát, nhiều sai phạm

Trước đó, Thanh Niên đã phản ánh một loạt vụ việc liên quan tới sai phạm tại các dự án BT và những dấu hiệu, hiện tượng móc ngoặc đấu thầu tại Hải Phòng.
Cụ thể, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ định thầu cho CTCP Đầu tư dịch tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ theo hình thức BT. Trong đó, đáng chú ý có dự án cải tạo chung cư cũ HH3, HH4 tại phường Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền.
Với dự án này, Công ty Hoàng Huy đã được UBND TP.Hải Phòng ưu tiên giao cho 99 ha đất sạch, vị trí đắc địa. Sau đó, phía Công ty Hoàng Huy đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, khu đô thị, nhà liền kề, biệt thự.
Đáng nói, mức giá mà UBND TP.Hải Phòng phê duyệt khi giao đất chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/m2, còn giá mà nhà đầu tư sau đó bán các sản phẩm trên lô đất này lên tới hàng chục triệu đồng/m2.
Trong năm 2019, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 vừa được Kiểm toán nhà nước gửi tới Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền, như Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ tại TP.HCM...
Thông qua kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 5.058,4 tỉ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 112,4 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 1.260,2 tỉ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỉ đồng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỉ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.