Cục phó Cục Hàng không VN Đào Văn Chương cho biết, việc lộ thông tin hành khách của chuyến bay (danh sách hành khách của cả chuyến bay kèm theo số điện thoại và các thông tin liên lạc khác) có thể xảy ra ở cả 3 hãng hàng không thông qua 2 loại chương trình phần mềm chủ yếu gồm hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé của hãng hàng không và một số chương trình tự phát triển và xây dựng được kết nối với hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ, chủ yếu do nhân viên các hãng hàng không và đại lý bán vé thực hiện.
|
“Việc này được thực hiện thường xuyên, không dừng ngay cả khi lực lượng chức năng đang điều tra, thanh tra vụ việc. Điều này cho thấy mức độ tinh vi trong phương pháp lấy thông tin, mức độ trắng trợn, coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm”, ông Chương cho biết.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, thông tin của hành khách khi đi máy bay được các hãng hàng không yêu cầu cung cấp bao gồm họ tên, số điện thoại và chuyến bay, email, giới tính.
Để ngăn chặn tình trạng lộ, lọt thông tin, Cục Hàng không VN đã xây dựng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đưa ra các chương trình, giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp quản lý chống tin tặc. Yêu cầu các hãng hàng không rà soát các quy trình, quy định nhập, lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của hành khách; quản lý chặt chẽ các đầu mối truy cập được thông tin cá nhân của hành khách; tăng cường công tác giám sát bảo mật thông tin cá nhân của hành khách.
Bên cạnh kiến nghị Bộ GTVT ban hành chính sách, giải pháp chung về công nghệ thông tin trong lĩnh vực hàng không để tăng cường công tác bảo mật, an ninh thông tin mạng nói chung và thông tin hành khách nói riêng, Cục Hàng không VN cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ TT-TT và Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn việc lộ thông tin hành khách đi máy bay.
tin liên quan
Làm lộ thông tin khách đi máy bay: Có thể bị phạt tù đến 7 nămTiết lộ thông tin hành khách có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt đến 7 năm tù giam.
Bình luận (0)