Đề nghị đánh thuế cao với thuốc lá
Theo dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường mà Chính phủ trình QH xem xét, có 5 nhóm hàng hóa là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng thuộc diện phải chịu thuế môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến phát biểu đều kiến nghị nên mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế. Trong đó, nhiều ĐB đề xuất đưa thuốc lá vào diện điều chỉnh của luật.
ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) phân tích thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích nhưng lại có quá nhiều người dùng. Dù thuế tiêu thụ đặc biệt đã áp tới 65%, nhưng thuốc lá tại Việt Nam vẫn rẻ nhất thế giới. ĐB Dũng cho biết, hiện có 11,5% nam giới hút thuốc lá, 40.000 người chết mỗi năm vì thuốc lá, cao gấp mấy lần tai nạn giao thông, chi phí cho người hút thuốc lá lên tới 14.000 tỉ đồng mỗi năm, chưa tính tiền trị bệnh. “Thuốc lá gây ô nhiễm như vậy, nên thu thuế thật cao để hạn chế tiêu dùng”, ĐB Dũng góp ý.
Đồng tình với đề xuất trên, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) kể thêm một loạt số liệu dẫn chứng về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường: Khói thuốc là chất gây ung thư loại 1, có chứa độc tố, phóng xạ gây rối loạn thần kinh, nội tiết. Với môi trường, có thể thấy tàn thuốc, mẩu thuốc vứt mọi nơi mọi chỗ trong khi hầu hết các loại đầu lọc không thể tái sinh, rất lâu năm mới có thể phân hủy…
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) cho rằng tuy có tiện lợi nhưng với mức độ sử dụng ngày càng tăng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt đang báo động một nguy cơ gây ô nhiễm khó lường. “Vì vậy, cần phải đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường để tái đầu tư cho môi trường”, ĐB Hồng nói.
ĐB Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) phát biểu: “Tôi có cảm giác dự luật chủ yếu nhằm đánh vào nông dân và người nghèo”, và làm rõ: “Ở những nơi chưa có điện thì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu; người nông dân hiện nay trong sản xuất nông nghiệp vẫn không thể không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…”. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cũng cho rằng quy định như dự luật thuế này đánh nặng vào dân nghèo, trong khi lẽ ra phải đánh vào nhà sản xuất để họ phải có ý thức xử lý rác bằng các công nghệ tiên tiến.
Thuế sẽ làm tăng giá xăng, giá điện
Theo ĐB Danh Út (Kiên Giang), có nhiều bất hợp lý khi mức thuế cho xăng tới 4.000 đ/lít, dầu 2.000 đ/lít trong khi xăng ít ô nhiễm hơn. Kể ra một loạt các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu, ĐB Út cảnh báo tình trạng thuế chồng lên thuế, và thêm mức thuế bảo vệ môi trường có thể sẽ tác động xấu đến thị trường, đặc biệt là người tiêu dùng.
ĐB Y Ngọc (Kon Tum) cho rằng, nếu thuế làm đẩy thêm giá xăng, người sản xuất nhỏ sẽ phải xoay sang dùng than, khả năng gây ô nhiễm hơn nhiều. Ngành điện hiện là hộ tiêu dùng than lớn nhất. Nếu than tiếp tục bị đánh thuế, chắc chắn sẽ đẩy giá thành sản xuất điện lên, nguồn cung điện vốn đang thiếu sẽ càng khó khăn. Nơi chưa có điện, xăng dầu, than càng là mặt hàng quan trọng, thiết yếu. “Dự luật mới chỉ chung chung, cào bằng, thêm gánh nặng cho người nghèo”, ĐB Y Ngọc nhận xét.
Tuệ Nguyễn - Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)