Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện qua điện thoại với bà Đoàn Hồng Nhung - Dược sĩ kiêm Quản lý Khối bán lẻ hệ thống nhà thuốc Pharmacity khu vực TP.HCM để biết thêm về cuộc sống của các dược sĩ trong giai đoạn này.
Như thường lệ, mở đầu câu chuyện vẫn là những lời hỏi thăm sức khỏe và tình hình dịch bệnh tại nơi ở của nhau. Bà Nhung chia sẻ bằng chất giọng trầm ấm và từ tốn của người phụ nữ ở tuổi 60 rằng việc hỏi thăm sức khỏe với bà bây giờ đã trở thành thói quen hàng ngày. Trước đây, công việc của bà hàng ngày đều phải đến nhà thuốc, vừa quản lý, giám sát vừa hỗ trợ các bạn nhân viên. Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, bà được chuyển sang làm việc online. Dù vậy, bà vẫn luôn kịp thời hỗ trợ từ xa ngay khi các bạn cần sự giúp đỡ.
|
Khi được hỏi về tình hình công việc cũng như đời sống của các bạn dược sĩ ở cửa hàng nhất là các nơi thuộc khu vực giãn cách, phong toả, giọng bà Nhung không giấu được sự lo lắng. Bà kể rằng, trải qua 3 đợt dịch trước, tất cả mọi người đều cố gắng vượt qua. Nhưng đợt dịch lần thứ 4 này với biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh hơn thì công việc và cuộc sống của những dược sĩ như bà cũng bị xáo trộn nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn. Các bạn dược sĩ bán hàng ở khu vực quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Tân Phú và quận 12 là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi một số trường hợp trước khi được xét nghiệm mắc Covid-19 họ đã đến Pharmacity mua thuốc, khi thông tin được công bố thì các quầy thuốc của Pharmacity cũng bị đóng cửa, các bạn dược sĩ bán hàng phải đi cách ly. Một số bạn nhà ở khu vực bị phong toả nhưng đi làm ở khu vực khác thì cũng phải giãn cách, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự khá nhiều.
Dù ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động kinh doanh nhưng sức khỏe và đời sống của nhân viên mới là mối quan tâm hàng đầu của công ty ngay lúc này. “Không chỉ thăm hỏi, động viên mà công ty còn hỗ trợ về mặt kinh tế, các bạn đi cách ly vẫn được hưởng lương 100% như bình thường”, bà Nhung chia sẻ. Nhờ vậy, các dược sĩ cũng yên tâm làm việc trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bà cho biết, các bạn đi cách ly ngoài việc lo lắng cho sức khỏe bản thân thì việc họ quan tâm nhất vẫn là gia đình, con cái. “Mình ở nhà mỗi lần nghe thông báo có bạn phải đi cách ly là tâm trạng vừa buồn vừa lo. Không chỉ lo cho một mình bạn đi cách ly mà cho nhiều bạn nhân viên xung quanh, cũng như gia đình của các bạn nữa” bà tâm sự.
Trầm tư một chút, bà kể thêm rằng, mỗi lần nghĩ đến bản thân được làm việc ở nhà là bà lại thấy thương cho các bạn nhân viên đang trực tiếp đứng ở quầy thuốc, nhất là các bạn có hoàn cảnh gia đình neo đơn, làm mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế, một khi buộc phải đi cách ly thì việc chăm lo cho gia đình và sinh hoạt thường nhật cũng vất vả hơn bình thường. Nói đến đây, giọng bà nghẹn ngào hơn.
Rồi bà kể về những bạn nhân viên khu phong tỏa, dù biết rằng chính phủ vẫn đảm bảo cung cấp đầy lương thực thực phẩm cần thiết nhưng ở vị trí của một người quản lý, bà vẫn đau đáu cho nhân viên của mình, không biết các bạn có đồ dùng cần thiết, có gặp nhiều khó khăn không. Cũng vì vậy mà so với trước đây, công việc của bà giờ có thêm nhiều nỗi bận tâm hơn.
|
Mỗi ngày bà đều cập nhật tình hình liên tục. Hễ thấy thông báo trên điện thoại, bà luôn mong đó là một tin tức tốt đẹp. Bà chia sẻ rằng, bây giờ tạm thời không được gặp trực tiếp các bạn nhân viên nên phải giữ liên lạc và động viên các bạn liên tục, để các bạn luôn giữ vững tinh thần, yên tâm làm việc dù có nhiều khó khăn hơn trước. Bởi dược phẩm là một trong những sản phẩm thiết yếu trong mùa dịch hiện nay. Nếu thiếu hụt nhân sự dẫn đến đứt gãy chuỗi cung cấp thuốc cho người dân trong thời điểm này là rất nguy hiểm.
Bà chia sẻ mong muốn những nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế và đơn vị bán lẻ dược phẩm, những con người hằng ngày phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, được sớm tiêm vắc xin, góp phần nâng cao hiệu quả chống dịch nhằm đảm bảo nguồn nhân sự y tế trong những tình huống cấp bách cũng như sớm quay về cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)