Lo vàng 2 giá, lo tiền của dân 'nằm chết' trong vàng

03/07/2024 16:31 GMT+7

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lo ngại tình trạng vàng 2 giá trên thị trường Việt Nam sẽ tiếp diễn; đồng thời, người dân sẽ còn đổ xô đi mua vàng, tiền 'nằm chết' trong vàng.

Người mua được vàng bình ổn rất khiêm tốn

Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024" do Học viện Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hôm nay 3.7, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có nhiều chia sẻ xung quanh bình ổn thị trường vàng.

Theo ông Long, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng thương mại nhà nước từ ngày 3.6 đến nay đã kéo giảm đáng kể chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới.

Cụ thể, từ mức chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng thời gian trước nay xuống chỉ còn khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng.

Lo vàng 2 giá, lo tiền của dân 'nằm chết' trong vàng- Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới

NGỌC THẮNG

Nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, thất thoát ngoại tệ, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.

Nhiều chuyên gia đánh giá, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.

Ông Long đặc biệt nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ khả năng cung ứng về số lượng vàng vì đang là đơn vị độc quyền nhập khẩu vàng, đủ khả năng nhập khẩu vàng để cung ứng cho thị trường.

Giao dịch vàng trầm lắng, khó kiếm lời

Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của nước ta chỉ khoảng 30 - 40 tấn/năm, tương đương khoảng 3 - 4 tỉ USD. Đây là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam, khoảng 200 tỉ USD và so với dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là 100 tỉ USD.

Rất ủng hộ phương án bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ ngày 3.6 đến nay, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp. Giá vàng giảm từ mức đỉnh điểm 92 triệu đồng/lượng xuống gần 77 triệu đồng/lượng hiện nay và đang ổn định ở mức này.

Tuy nhiên, ông Hiếu phân tích, đến nay số người mua được vàng bình ổn rất khiêm tốn. "Ngân hàng Nhà nước cho biết có những người mua đầu cơ, vấn đề này cần phải xử lý, nhưng thực tế là lượng vàng cung cấp cho nền kinh tế rất ít", ông Hiếu nói.

Có thể xem xét cho người dân giữ chứng chỉ vàng

Bên cạnh kết quả đạt được là làm giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, theo ông Long, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, còn một số vấn đề cần được xem xét.

Trên thị trường vàng hiện tồn tại 2 loại giá: giá vàng ở "chợ đen" cao hơn giá của các đơn vị bình ổn khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, ngày 29.6, tại Hà Nội, giá bán vàng miếng SJC "chợ đen" là 80,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, cùng thời điểm, giá bán vàng bình ổn của các đơn vị đến tay người dân là 76,98 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,5 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Bình ổn thị trường vàng cần có 2 yếu tố, một là giá và hai là nguồn cung phải dồi dào để người đi mua không cần chầu chực xếp hàng hay cố gắng đăng ký mua online, cứ có tiền là đến mua được.

Phần giá cơ bản đã ổn định, song thị trường vàng chỉ có thể thực sự bình ổn nếu nguồn cung ổn. Mong Ngân hàng Nhà nước sẽ cung ứng nhiều vàng hơn, đồng thời nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng".

Đánh giá giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng, ông Long nêu rõ: "Người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua 1 lượng".

Dự báo, giá vàng thế giới có xu hướng tăng. Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước còn tồn tại tình trạng 2 giá, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn bằng kênh đầu tư vàng, ông Long nói: "Nếu sử dụng biện pháp này lâu dài sẽ dẫn đến người dân đổ xô vào mua vàng, tiền đầu tư của người dân không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nằm chết trong vàng.

Điều này sẽ khó chống được vàng hóa. Nếu chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát".

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn.

Theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu, ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng T.Ư. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng. 

"Đây là một phương án Việt Nam cần xem xét nhưng phải có lộ trình cho phương án này", ông Long nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.