|
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), Gia Lai được quy hoạch 74 dự án thủy điện vừa và nhỏ, đã được Bộ Công thương thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện việc công bố quy hoạch chưa tuân thủ trình tự thủ tục; quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án không đúng quy hoạch được duyệt dẫn đến phải điều chỉnh (16/28 dự án). Đặc biệt, có hiện tượng vừa thi công vừa xin điều chỉnh quy hoạch, tiềm ẩn hậu quả chất lượng công trình không đảm bảo. Đến nay có 33 dự án thi công chậm tiến độ.
Đáng chú ý, Sở Công thương tỉnh Gia Lai từ năm 2008 - 2012 thẩm định và tham gia ý kiến thiết kế 28 dự án đều nhận xét “các dự án phù hợp quy hoạch”, nhưng kiểm tra thực tế thì có 3 dự án vừa xây vừa xin điều chỉnh, 5 dự án thay đổi vị trí đập. TTCP kiến nghị thu hồi 14 dự án do chậm tiến độ và loại bỏ khỏi quy hoạch 17 dự án do không hiệu quả.
|
Buông lỏng quản lý đất đai, lâm sản
Theo TTCP, trong giai đoạn 2001 - 2010 có tới 16/17 huyện của Gia Lai không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thậm chí cả trung tâm tỉnh là TP.Pleiku phát triển chắp vá, không phù hợp quy chuẩn, thu hồi đất, giao đất thiếu căn cứ, gây lãng phí tài nguyên. Tại TP.Pleiku, thị xã An Khê và Chư Păh phát hiện nhiều trường hợp giao đất không đúng đối tượng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Từ năm 2004 - 2010, UBND tỉnh Gia Lai giao đất cho một số đơn vị thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư đã để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, tại dự án khu đô thị Cầu Sắt và trung tâm thương mại Hội Phú chưa tiến hành quyết toán, đối trừ sổ sách để doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất gần 135 tỉ đồng. Tính toán, thẩm định không đúng, buông lỏng giám sát, nếu không phát hiện kịp thời dễ gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 55 tỉ đồng (do các dự án chưa quyết toán), trong đó dự án khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng có khối lượng thi công thực tế không đúng với dự toán, dự án công viên Trà Đa tính giá đất không đúng thời điểm.
Trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép Gia Lai chuyển 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, UBND tỉnh đã buông lỏng quản lý rừng và lâm sản; thể hiện diện tích rừng khi giao đất trồng cao su thiếu hụt so với diện tích rừng khi lập và quy hoạch hơn 1.000 ha, số lượng gỗ tận thu năm 2008 thiếu hụt thành tiền gần 39 tỉ đồng so với biên bản xác định khối lượng gỗ tận thu và giấy phép khai thác. Chỉ định bán gỗ không qua đấu giá hơn 474.000 m3 gây thất thu ngân sách. Trong giai đoạn 2010 - 2011, UBND tỉnh thực hiện giao gần 5.000 ha ngoài quy hoạch cho hàng chục doanh nghiệp thuê đất trồng cao su; buông lỏng quản lý đất đai để Công ty TNHH cao su Chư Sê thỏa thuận đền bù đất sản xuất lấy sang trồng cao su dẫn đến đồng bào dân tộc không có đất sản xuất gây nguy cơ khiếu nại tố cáo, mất ổn định.
Qua thanh tra 17 dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước, TTCP phát hiện đã có tình trạng lập hồ sơ mời thầu không đúng, có dấu hiệu thông thầu, loại bỏ nhà thầu không mong muốn. Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp ứng hàng chục tỉ đồng nhưng không thực hiện công trình...
Thái Sơn
>> Loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hay không vẫn phải chờ... thẩm định
>> Phải loại bỏ thủy điện không đảm bảo môi trường
>> Thủy điện Đakrông 3 vẫn chưa được gia cố như khuyến cáo
>> Thủy điện Trị An tiếp tục tăng lượng xả tràn để bảo vệ đập
>> ‘Mở cửa’ cho thủy điện nhỏ bán điện
>> 11 năm chờ tiền đền bù từ dự án thủy điện Plei Krông
>> Có thể thu hồi dự án thủy điện Đakrông 4
>> Nhiều DN thủy điện nợ phí dịch vụ môi trường rừng
Bình luận (0)