Hệ lụy lớn nhất của cơ chế bộ, ngành chủ quản các doanh nghiệp nhà nước là tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, sự méo mó về chính sách, sự bất cập trong điều hành "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Vậy mà đề xuất xóa bỏ cơ chế này trong dự án luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi đến phiên họp của Thường vụ Quốc hội hôm qua vẫn gặp không ít ý kiến phản đối.
>> Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến 'vịt nhà' thành 'vịt trời
>> SCIC bán vốn nhà nước tại 580 doanh nghiệp
Để thấy rõ sự bất cập của cơ chế này, hãy lấy xăng dầu và điện - 2 sản phẩm thiết yếu nhưng gây bức xúc kéo dài nhiều năm nay - làm ví dụ. Đầu tiên là xăng dầu, chỉ riêng Petrolimex đã chiếm trên 50% thị phần. Petrolimex lại thuộc quản lý của Bộ Công thương, đơn vị quản lý thị trường xăng dầu. Người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ các cơ chế, chính sách mà bộ này soạn thảo sẽ nhằm thuận lợi cho "đứa con" của mình. Thực tế cũng cho thấy, các công ty nhỏ chỉ cần "đu" theo lợi thế của Petrolimex là đủ sống. Thể hiện rõ nhất qua giá xăng dầu cùng tăng, cùng giảm và đồng giá mà không hề có sự cạnh tranh dù thị trường có tới hơn 20 doanh nghiệp (DN) đầu mối cùng hoạt động kinh doanh. Đáng sợ hơn của cơ chế "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là quyền lợi của người dân, của cả nền kinh tế luôn phải xếp sau lợi nhuận của DN. Còn nhớ thời điểm cả nền kinh tế phải chung tay chống lạm phát năm 2011, riêng xăng dầu vẫn được duyệt tăng giá. Tại thời điểm này, sức khỏe của DN đã kiệt quệ, sản xuất đang trong giai đoạn phải thở ô xy thì Bộ Công thương vẫn tiếp tục cho phép xăng tăng giá lần thứ 5 - một quyết định được ví như cú đánh bồi thêm cho người đang đứng trên bờ vực. Đó là chưa kể, những khuất tất lỗ lãi, thiếu sòng phẳng trong tăng - giảm... của ngành này vẫn được cơ quan chủ quản làm ngơ.
Tương tự, bao năm qua dù khó khăn hay thuận lợi, giá điện chỉ tăng không giảm. Tất cả mọi chi phí đều được đổ vào giá. Lỗ tăng giá, cần tiền đầu tư tăng giá, xây biệt thự - sân tennis cũng đổ luôn vào giá. Người dân biết kêu ai khi cơ quan quản lý - Bộ Công thương cũng chính là đơn vị chủ quản của Tập đoàn điện lực VN (EVN), tập đoàn độc quyền từ khâu sản xuất, phân phối, truyền tải, kinh doanh điện. Bộ này cũng chính là đơn vị soạn thảo đề án thị trường phát điện cạnh tranh với quy định chỉ cho các nhà máy có công suất trên 50 MW tham gia, loại thẳng tay các dự án thủy điện nhỏ (hầu hết của tư nhân) khỏi sân chơi, trong khi chúng ta vẫn đang phải mua điện của Trung Quốc. Thị trường điện mang tiếng là cạnh tranh nhưng thực chất chỉ có các "ông lớn", đều thuộc Bộ Công thương quản lý.
Đó là những hệ lụy điển hình nhất của cơ chế bộ, ngành chủ quản mà người thiệt thòi, người phải gánh chịu cuối cùng chính là người dân và nền sản xuất vốn ngày càng ốm yếu. Trên thực tế, việc một bộ quản lý hàng chục tập đoàn, tổng công ty đã và đang tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng với các DN còn lại, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Vấn đề lợi ích nhóm chi phối chính sách cũng xuất phát từ cơ chế này. Sự bất mãn, mất lòng tin về điều hành giá điện, giá xăng của người dân bao năm qua cũng từ đó mà ra. Nếu không thay đổi, đừng nói đến chuyện nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát vốn nhà nước tại DN.
Còn những ý kiến lo ngại bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản thì vốn nhà nước ai quản lý. Xin thưa, đã có luật DN và rất nhiều luật chuyên ngành thực hiện chức năng này. Việc của quản lý nhà nước là làm quy hoạch, chiến lược, xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để mọi thành phần DN cạnh tranh bình đẳng chứ không phải trực tiếp quản lý và o bế các DN của mình.
Mọi cái rất rõ ràng, vậy ai muốn giữ, bộ - ngành nào không muốn buông tay, liệu có phải đặt ngược vấn đề: Có gì đằng sau việc bảo vệ một cơ chế đang kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế?
Nguyên Hằng
Bình luận (0)